Chúng tôi là HUSers
  • Thủ khoa trường Tự nhiên giành học bổng chính phủ Nhật
  • Chỉ có tri thức mới cho em một cuộc sống tươi đẹp hơn
  • Thủ khoa tốt nghiệp ngành Toán học - Trịnh Thị Thúy Hồng: “May mắn vì được học thật, thi thật tại ĐH KHTN”
  • Đỗ Thị Phương - Thủ khoa tốt nghiệp năm 2017 ngành Công nghệ kĩ thuật Hóa học: "Nhà trường là cầu nối giúp em trở thành nhà nghiên cứu với mức lương khởi điểm 2000$"
  • Hai sinh viên trường ĐH KHTN trúng tuyển trường Đại học Sư phạm Paris (ENS Paris)
  • Nguyễn Hồng Hà - cựu sinh viên K58 Khoa Vật lý: "Học đại học cho cả mình và bạn gái"
  • Nữ sinh Hà Nội xinh đẹp Trần Hải Anh: “Địa lý tự nhiên giúp tôi thỏa đam mê du lịch, thực địa”
  • Kỳ thực tập đáng nhớ của hai sinh viên Pháp tại trường ĐHKHTN
  • 28 ngày “vàng” ở Hòa Lạc của hàng nghìn sinh viên K62 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Nhiệm vụ duy nhất là “THỰC HIỆN CON ĐƯỜNG MÌNH ĐÃ CHỌN”
  • Nghiên cứu đầu tiên dự báo chi tiêu từ lịch sử giao dịch, giúp ngân hàng quản trị rủi ro, tối đa hóa lợi nhuận trên tiền gửi
  • Nữ tân cử nhân Khoa Môi trường đam mê “giải mã” khoa học giành học bổng Thạc sĩ của Hàn Quốc
  • 4/6 học sinh đạt huy chương Olympic Toán quốc tế 2018 vừa trúng tuyển Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
  • Một học sinh vừa trúng tuyển thẳng HUS: “Em yêu thích nghiên cứu chuyên sâu và đã định hướng tương lai của mình”

Với điểm tổng kết 3.85/4.0, xếp loại xuất sắc, Trần Bá Dương (K63, Cử nhân Vật lý quốc tế) trở thành thủ khoa đầu ra khoa Vật lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2022.

Thủ khoa trường Tự nhiên giành học bổng chính phủ Nhật

Sinh viên Trần Bá Dương, thủ khoa đầu ra của Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN năm 2022.

Dương cũng vừa nhận tin vui giành học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản (MEXT) và sẽ theo học Đại học Osaka - ngôi trường hàng đầu ở đất nước này.

‘Cú sốc’ của cậu học trò trường chuyên

Được truyền cảm hứng từ một người thầy dạy Vật lý, cậu học sinh lớp chuyên Tin ở Trường THPT chuyên Sư phạm quyết định chuyển hướng theo đuổi ngành học này khi vào đại học. 

Dù vậy, Dương nói không hề lãng phí bởi những kiến thức chuyên sâu về Tin học đã giúp cậu rất nhiều.

“Tin học có mặt trong mọi khía cạnh cuộc sống, nên mình cho rằng có một nền tảng Tin học tốt sẽ có thể dấn thân vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là Vật lý.” - Dương nói.

Là cựu học sinh chuyên, Dương có thể dễ dàng vượt qua nhiều môn học, thậm chí ngay những học kỳ đầu tiên, nam sinh còn đăng ký học gần 30 tín chỉ với niềm tin có thể học rất nhanh để tốt nghiệp sớm.

Thế nhưng, Dương đã gặp phải cú sốc khi bị 1 điểm giữa kỳ môn Đại số tuyến tính. 

“Khi mình bị điểm số như thế mình đã sốc nặng, mình suy nghĩ rất nhiều, mình nghĩ là không biết ngành Vật lý mà mình đã chọn này có thực sự hợp với mình không. Đây cũng là lần đầu tiên mình hoài nghi về bản thân, là một trong những bài học đắt giá nhất của mình.”, Dương nói.

Kể từ đó, Dương thay đổi phương pháp học và trở nên chăm chỉ hơn. Dương cho biết mình luôn đọc sách và tìm hiểu kiến thức trước ở nhà, cố gắng tự đặt câu hỏi và tự trả lời những câu hỏi đó. Sau đó, trao đổi với thầy cô những vấn đề còn vướng mắc và cả những điều đã hiểu để hiểu sâu vấn đề hơn. 

“Mình cũng luyện tập và làm bài tập rất nhiều để rèn luyện cho mình trực quan Vật lý và mình nghĩ cái này cũng đúng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Khi mình làm nhiều một cái gì đó mình sẽ có cảm giác và trực quan về nó.” - Bá Dương chia sẻ về phương pháp giúp mình lấy lại phong độ và học tốt ở giảng đường đại học.

Bên cạnh đó, nam sinh cũng rất chăm chỉ đến phòng thí nghiệm, luôn cố gắng để có cơ hội được thực hành nhiều thí nghiệm khác nhau. Đối với Dương, việc thực hành nhiều giúp bản thân ứng dụng được những kiến thức đã học được trên giảng đường, dần hình dung được công việc của một người làm nghiên cứu. 

Từ khi lên năm thứ 3, Dương bắt đầu được thực hành nhiều thí nghiệm chuyên sâu hơn. Điều này đã giúp nam sinh nhận định được hướng đi phù hợp với bản thân. 

Không chỉ có điểm GPA xuất sắc, trong 4 năm trên giảng đường đại học, Trần Bá Dương còn giành giải Nhất Olympic Vật lý sinh viên, giải Nhì nghiên cứu Khoa học sinh viên cấp trường, giành nhiều học bổng khuyến khích học tập của các tổ chức, cá nhân trong và người nước. 

Thủ khoa trường Tự nhiên giành học bổng chính phủ Nhật

Sinh viên Trần Bá Dương (ngoài cùng, bên trái) đang trình bày báo cáo tại phiên Poster, Hội nghị khoa học sinh viên cấp Trường năm 2022).

Đáng chú ý, nam sinh cũng sở hữu 1 công bố quốc tế trên tạp chí Q2, 2 bài báo trong nước cùng nhiều báo cáo tại các hội nghị, hội thảo chuyên ngành. 

Chinh phục học bổng MEXT

Mới đây, Dương đã giành được học bổng MEXT của chính phủ Nhật Bản và sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành Khoa học vật liệu tại Đại học Osaka vào tháng 9 năm nay.

Bá Dương chia sẻ, trong quá trình xin học bổng, ngoài thư giới thiệu của các thầy cô trong khoa, nam sinh đã nỗ lực để hoàn thiện hồ sơ cá nhân, từ việc liên hệ cho đến viết và sửa bài luận. 

“Sau khi liên hệ với các giáo sư khoa Vật lý bên trường Osaka, mình đã gửi CV và bảng điểm qua email và thật may mắn khi họ liên hệ lại để sắp xếp một cuộc phỏng vấn qua Zoom. Sau khi trò chuyện trực tuyến, mình phải làm một bài kiểm tra Toán khá dài, bao gồm tất cả các kiến thức Toán trong chương trình đại học”. 

Khi vào đến vòng cuối cùng, Dương được yêu cầu chuẩn bị và thuyết trình về hướng nghiên cứu hiện tại mà cậu đang làm và những dự định nghiên cứu trong tương lai. 

“Hướng nghiên cứu của mình hiện nay là về Vật lý sinh học tính toán, nói một cách đơn giản là sử dụng máy tính để mô phỏng về protein trong sinh học, sau đó sử dụng những kiến thức Vật lý để phân tích nó. Cụ thể, cái mà mình đã  nghiên cứu là về những hợp chất có khả năng ức chế được enzim trong virus SARS - CoV-2 và sử dụng máy tính để mô phỏng hoạt động sao cho hợp chất đó gắn chặt vào enzim không bị rơi ra khi ở trong cơ thể người.” - Bá Dương nói.

Theo Dương, một kỹ năng cực kỳ quan trọng khác là ngoại ngữ. Trước đó, chọn theo học chuyên ngành Vật lý quốc tế với nhiều môn học và tài liệu bằng tiếng Anh, nam sinh phải lao vào học tiếng Anh một cách nghiêm túc ngay từ năm đầu tiên. 

“Mình dùng tiếng Anh trong tất cả mọi thứ mình làm, trên lớp kể cả thầy cô có giảng bằng tiếng Việt thì mình cũng ghi chép bài bằng tiếng Anh. Mình cũng đọc thêm nhiều những tài liệu khoa học bằng tiếng Anh để học thêm nhiều từ vựng chuyên ngành và bắt chước cách viết của họ nữa.” 

Nam sinh cũng dành nhiều thời gian để luyện thi Ielts và đạt điểm số 7.0. 

Dương chia sẻ về quá trình học ôn thi Ielts: “Mình không cầy cuốc, luyện Ielts ngày đêm để thi mà mọi thứ mình đều làm nhiều, luyện tập nhiều thì nó thành kĩ năng và tốt lên từng ngày. Khi cảm thấy mình đã đạt đến khoảng 6.5 rồi thì mình bắt đầu đi học ở trung tâm để luyện thêm, làm quen với các dạng đề và sau đó đi thi.”

Vì thế, Dương nói việc trở thành thủ khoa ngành Vật lý, giành học bổng là những trái ngọt sau nhiều nỗ lực, khi bản thân gần như không mấy khi được nhàn rỗi trong suốt 4 năm học đại học. 

Theo Vietnamnet.

Bùi Hải Yến, nữ sinh Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS), mặc dù vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường nhưng đã có một công việc ổn định với mức thu nhập nhiều sinh viên khác ao ước. Chia sẻ về những gì đã và đang gặt hái tại môi trường đại học, Bùi Hải Yến khẳng định lại một lời khuyên của thầy cô giáo tại HUS: Chỉ có tri thức mới cho em một cuộc sống tươi đẹp hơn.

---------------------------------------

Tháng Tám về, tháng Tám với bao người có lẽ cũng như những tháng khác, nhưng với tôi, đó là thời khắc đặc biệt. Đặc biệt khi cũng chính thời điểm này những năm về trước, nếu không có nó, cuộc sống của tôi, của gia đình tôi không biết sẽ như thế nào.

Năm đó, một đứa học sinh nghèo như tôi tưởng chừng như đã không thể thực hiện giấc mơ trở thành sinh viên. Ngày ra Hà Nội nhận giấy báo nhập học cùng dì (em gái mẹ), đó là một ngày Hà Nội mưa tầm tã. Dì cháu tôi đến nhà một người chị đang làm việc tại HUS. Chị đưa tôi đến HUS, nhận giấy báo, nhận luôn cả những bảng thông báo về các khoản đóng góp mà tân sinh viên sẽ phải nộp ngay đầu kì học. Chưa vui mừng được bao lâu khi đã là tân sinh viên, lòng lại thêm những lo âu về gánh nặng chi phí học tập. Đứng giữa HUS, tôi hỏi chị “Chị ơi, hay em không đi học nữa, mẹ em là bệnh binh nặng, gần như không còn khả năng lao động, dì cũng đã tuổi trung niên, dì mẹ em đã nuôi em 18 năm nay rồi, học đại học thế này chắc gia đình em không đủ điều kiện chị ạ.” Chị im lặng, đưa tôi về nhà. Hôm đó, dì cháu tôi trở về nhà mà lòng nặng trĩu.

Một tuần sau, chị gọi cho tôi, chị bảo “Em cứ đi học, nếu em không đi thì công sức của mẹ dì em 18 năm qua là vô nghĩa, chị và thầy cô ở HUS sẽ giúp đỡ em”. Rồi tôi cũng quyết định nghe chị, nghe lời gia đình nhập học. Ngày ấy, hành trang của một đứa tân sinh viên như tôi chỉ là một cái hòm sắt đựng mấy bộ quần áo, mấy quyển sách, vài món đồ quê và niềm hi vọng có một tương lai tốt đẹp hơn. Có lẽ điều khiến tôi bất ngờ nhất hôm đó, là không chỉ một, mà rất nhiều thầy cô đã động viên và hỗ trợ tôi. Thầy cô Phòng Chính trị và Công tác Sinh viên giúp tôi ở KTX Mễ Trì. Gia đình chị giúp tôi tìm được quỹ học bổng “Thắp sáng niềm tin” và HUS giúp tôi hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng nhất để có được nguồn kinh phí từ Quỹ này của PVN. Vậy là chặng đường sinh viên của tôi bắt đầu từ đấy, trong sự xúc động nghẹn ngào, trong sự giúp đỡ và bao bọc của thầy cô tại HUS.

Cũng chính thầy cô, là người định hướng cho tôi thi vào chương trình  nhiệm vụ chiến lược của khoa Môi trường - Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Khỏi phải nói, với một đứa sinh viên tỉnh lẻ, lại thiếu thốn về mọi điều kiện như tôi, tiếng Anh là một “cực hình”. Những ngày đầu học tiếng Anh, lại học với các bạn tiếng Anh rất tốt, tôi gần như muốn bỏ cuộc. Cô giáo chủ nhiệm lớp tiếng Anh là người giúp tôi vượt qua những rào cản ấy, rồi dần dần tôi thích nghi được với chương trình, với tiếng Anh chuẩn, để rồi kỳ thi A1 đầu tiên, tôi đạt điểm cao nhất lớp. Thời gian trôi qua, các kỳ thi tiếp theo tôi vượt qua, mà nói đúng hơn là vượt qua chính bản thân mình.

Cũng năm đầu tiên đó, chị - người đã đưa tôi đến với HUS, giới thiệu cho tôi việc gia sư. Cuộc sống sinh viên của tôi bớt chật vật đi nhiều. Các thầy cô ở HUS vẫn động viên và dõi theo tôi trong suốt hành trình gian khó ấy. Đôi khi là lời hỏi thăm của thầy mỗi lần gặp tôi ở giảng đường, khi là lời thông báo của thầy cô: “Yến ơi, em nhận được học bổng loại A kỳ này rồi”, khi chị lại gọi điện trực tiếp cho mẹ hỏi thăm tình hình sức khỏe mẹ và dì tôi.

Hải Yến gặp gỡ và trao đổi với đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel về việc thúc đẩy thương mại giữa hai nước Việt Nam và Israel

Sau một năm học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, tôi trở về HUS với việc học chuyên ngành. Môi trường học ở đây hoàn toàn khác với những người bạn của tôi ở những trường khác. Thầy cô, bạn bè ở HUS và cả môi trường học tập đổi mới khiến tôi thay đổi rất nhiều. Thay vì phải lo “chạy điểm, xin điểm” cuối mỗi kỳ học là việc phải luôn tự cố gắng trong suốt quá trình học tập. Đổi mới trong dạy học, minh bạch trong các kỳ thi, nói không với “chạy điểm”, với đứa sinh viên nghèo như tôi, đó là một điều may mắn.

Năm tháng qua đi, sau thời gian hoạt động và học tập tại HUS, HUS không chỉ dạy tôi về kiến thức, mà còn cả hoạt động xã hội và kỹ năng khác. Sau khi thử thi IELTS được 7.0, tôi quyết định thử sức xin đi học tại Israel. Bằng vốn tiếng Anh có được tại trường, cộng với các môn học đã học tại HUS, tôi may mắn được nhận. Thời gian học tại Israel, tôi quyết định học chuyên về Nông nghiệp Công nghệ cao, một ngành mà thời điểm ấy tại Việt Nam, khái niệm đó đang rất mơ hồ.

Cũng bằng vốn tiếng Anh có được, tôi đã liên hệ được một bác sĩ người Đức sang Việt Nam dự Hội thảo để chữa bệnh cho mẹ tôi, người trải qua hàng chục lần phẫu thuật đau đớn gần như kiệt sức. Những kỹ năng mà trường đại học dạy cho tôi không chỉ cho tôi một công việc đầy đam mê mà còn có ý nghĩa với gia đình, với mẹ tôi, vời dì tôi…đó là điều tôi vô cùng biết ơn.

Lời của những thầy cô HUS từ ngày đầu nhập học vẫn luôn theo tôi, động viên tôi trong suốt quá trình gian nan ấy. “Chỉ có con đường học mới giúp em thoát khỏi số phận, chỉ có tri thức mới mang em đến với cuộc sống tươi đẹp hơn”. Có thể nói nếu như không có HUS, không có những thầy cô ở đó, thì tôi cũng chẳng có ngày tháng ở Israel. Tôi tiếp cận và hòa nhập rất nhanh môi trường giáo dục ở Israel, bởi nó khá tương đồng với HUS về tính minh bạch, sự cởi mở trong học tập, và có cả những động lực khiến tôi phải không ngừng cố gắng.

Tôi quyết định mang nông nghiệp Israel - nền nông nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới về Việt Nam. Thật bất ngờ khi những thầy cô ở đó, vẫn luôn dõi theo và ủng hộ tôi. Và tôi, lại đang ấp ủ những dự án mới với chính những thầy cô HUS.

Hải Yến làm việc tại NUVISRAEL 

HUS có thể không phải là ngôi trường có thuộc top các đại học có sức hấp dẫn cao nhất Việt Nam, nhưng ngôi trường ấy vẫn bình lặng đào tạo nên những nhà khoa học mà như lời một thầy giáo Israel của tôi đã nói “Khoa học là nền tảng của mọi ngành, mọi nghề. Tôi không biết ở nước em như thế nào, nhưng với đất nước Israel chúng tôi, người làm khoa học là những người được tôn vinh nhất”.

Giờ đây, khi đang triển khai những dự án nông nghiệp Israel tại Việt Nam của công ty NUVISRAEL tôi vẫn luôn nhớ đến 2 cơ sở đào tạo nghề nghiệp có ý nghĩa với cuộc đời mình. HUS là trường đại học đầu tiên, còn Ben-Gurion (Israel) dường như là trường đại học thứ 2 của tôi.  Và tôi cũng hiểu, HUS là nền tảng của tôi ngày hôm nay.

Hải Yến    

May mắn vì được học thật, thi thật tại  Trường Đại học Khoa học Tự nhiên”. Đó là tâm sự của cô gái Trịnh Thị Thúy Hồng - tân cử nhân duy nhất của khoa Toán - Cơ - Tin học khóa QH.2013.T được nhận Bằng tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN-HUS) với điểm tốt nghiệp toàn khóa 3.78 . 

Cô gái nhỏ nhắn, mang trong mình tình yêu Toán học này thực sự hài lòng về lựa chọn ĐHKHTN để theo đuổi đam mê, chuẩn bị hành trang tri thức cho tương lai. Hồng chia sẻ: “Với em, bốn năm học trôi qua rất nhanh và vui vẻ. Ở HUS, em cảm thấy may mắn vì được học thật, thi thật trong tất cả các kỳ thi”. Những đúc rút đó đúng như lời của người thầy đã định hướng, khích lệ Hồng thi vào ngành Toán của ĐH KHTN năm xưa. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Văn - giáo viên dạy Toán, đồng thời là chủ nhiệm lớp 12 của Hồng. "Thầy Văn từng học ngành Toán học và cao học của trường. Ngày đó, những chia sẻ của thầy khiến em tin rằng, trường tốt, thầy cô tốt mới khiến một cựu sinh viên, học viên yêu mến và tự hào đến thế”.  

Đánh giá về kết quả của Hồng, PGS.TS. Lê Minh Hà - Trưởng khoa Toán - Cơ - Tin học cho biết: “Ở khoa Toán Cơ Tin học xưa nay luôn hạn chế tình trạng lạm phát điểm, học thật thi thật trong khi các môn học nói chung khó. Thực tế mỗi khoá chỉ một hai người đạt được thành tích này. Chính vì vậy, điểm 3.78 của Hồng là cực kỳ ấn tượng, lại càng đặc biệt hơn với một bạn nữ. Em đã rất rất nỗ lực!”. 

Biển học vô bờ, cần cù thì đến”, điểm số học tập và rèn luyện của Hồng là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực miệt mài, không ngừng nghỉ của chính em. Càng thú vị hơn khi biết rằng điểm đầu vào của Hồng từng không đủ để đỗ vào hệ tài năng của khoa.

Description: D:\Cong_viec\Website\news\Thang_7\Guong_mat_SV_xuat_sac\Trinh-Thi-Thuy-Hong\35224057060_1c3a6506fb_o.jpg

Hồng và mẹ trong ngày lễ nhận bằng Cử nhân

Em rất vui vì được theo đuổi môn học yêu thích nhất và đã luôn cố gắng hết sức mình suốt thời gian qua” là cảm xúc và cũng là bí quyết chinh phục môn Toán của Hồng.

Thời gian mới nhập trường, như hầu hết các tân sinh viên, Hồng không theo kịp bài trên lớp do lúng túng với phong cách học đại học, vốn đòi hỏi tự học rất nhiều. Dần dần, mọi thứ ổn hơn, niềm yêu thích các môn học cứ thế nhân lên, Hồng như con ong chăm chỉ, miệt mài cố gắng, cố gắng làm tốt nhất cho mục tiêu tự học mỗi ngày, cũng như không học lại bất cứ môn nào. Hồng nhớ lại: “Những chia sẻ của các thầy cô đã giúp em khởi đầu năm nhất khá tốt, có phương pháp học tập hiệu quả hơn và vui vẻ hơn khi học Toán, tiếp thêm tự tin cho em trên con đường theo đuổi ước mơ trở thành giảng viên dạy Toán”. 

Trong những tháng ngày dùi mài kinh sử, ngoài sách, Hồng còn có hai người bạn đồng hành thân thiết là hai quyển vở. Một quyển để em ghi chép bài giảng trên lớp và một quyển tự học ở nhà. Quyển tự học là nơi Hồng lưu giữ tóm tắt những kiến thức vừa lĩnh hội từ thầy cô và chi tiết những điểm không hiểu. Việc luôn ghi lại và tự suy nghĩ về tất cả những gì chưa hiểu thực sự hữu ích, giúp Hồng nhớ lâu và hiểu sâu. Em còn dành thời gian chuẩn bị bài trước khi đến lớp để nắm bắt nhanh và theo kịp các bài giảng. Phương pháp học của Hồng, nghe qua thì dễ nhưng để em duy trì mỗi ngày trong suốt thời sinh viên đòi hỏi sự bền bỉ đặc biệt. 

Ngoài nỗ lực tự thân, Hồng khẳng định, cô rất may mắn khi được dẫn dắt bởi các giảng viên giỏi và hết lòng giúp đỡ sinh viên. Em nhớ mãi những bài giảng hay cùng nụ cười và cái bắt tay nồng ấm của thầy Lê Minh Hà dành cho từng tân cử nhân khoa Toán - Cơ - Tin trong ngày lễ trao bằng tốt nghiệp. Em ghi nhớ lòng tốt và sự nhiệt thành của thầy chủ nhiệm Nguyễn Thạc Dũng, người chỉ dẫn cách làm khóa luận, phương pháp học ngoại ngữ và xin học bổng du học. Hồng luôn trân trọng những giúp đỡ của thầy Ngô Quốc Anh trong suốt thời gian thực hiện khóa luận và khi tham gia hội nghị khoa học sinh viên. Đó còn là thầy Phạm Hoàng Long, người giúp đỡ em từ khi còn là sinh viên năm nhất đến tận ngày nhận bằng tốt nghiệp, hết lòng chia sẻ thông tin học bổng và kinh nghiệm xin việc. Đó còn là thầy giáo dạy Bài tập Giải tích 1,2,3 - Nguyễn Duy Đạt. Những chia sẻ của thầy về phương pháp học cùng "lý thuyết cái kén" đã giúp Hồng có được phương pháp học hiệu quả và yêu thích những môn học hơn. Tuy không ở khoa Toán nhưng cô Trịnh Dục Tú, phụ trách quản lý giảng đường của trường cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong Hồng. Cô nghiêm khắc, sát sao giờ giấc từng lớp học nhưng lại thân thiện, luôn vì quyền lợi chung của sinh viên. Còn rất nhiều, rất nhiều thầy cô đã tận tâm chỉ dạy Hồng và các sinh viên khoa Toán với lòng yêu nghề cao nhất. Một cách tự nhiên, nhiệt huyết và kiến thức uyên bác của các nhà giáo như dòng suối mát, tưới tắm và nuôi dưỡng tình yêu ngành học, tình yêu ngôi trường của Hồng thêm sâu sắc hơn.

Trực tiếp hướng dẫn Hồng thực hiện khóa luận tốt nghiệp suốt 8 tháng, từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017, TS. Ngô Quốc Anh kể: “Hồng là sinh viên khá đặc biệt so với những bạn tôi từng hướng dẫn. Không chỉ vì em là một cô gái, mà điều kỳ lạ nhất là Hồng suốt ngày đặt câu hỏi, thậm chí 2-3h sáng vẫn gửi mail cho thầy để hỏi và trả bài tập. Cẩn thận, học chắc, chịu khó nên khi giao bài mà Hồng hiểu, chắc chắn em sẽ làm đúng”. Chính vì tinh thần ham học, mong muốn tìm hiểu vấn đề tường tận nên thầy Quốc Anh thường xuyên đề xuất các bài báo để Hồng nâng cao kiến thức. Thầy Quốc Anh đánh giá cao khóa luận do Hồng thực hiện. Tuy chưa tối ưu nhưng kết quả em thu được khá mới, cải tiến đáng kể so với kết quả trước đây. “Tôi rất ngạc nhiên khi sinh viên Toán hệ thường làm được như thế”, thầy Quốc Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh thầy cô và bạn bè, Hồng luôn thầm cảm ơn mẹ đã tin tưởng và cho em tự do quyết định tương lai của mình. Dù một thân một mình nuôi hai chị em Hồng,nhưng mẹ luôn giữ tinh thần lạc quan và dạy bảo các con từng điều nhỏ nhất. “Sống phải biết chia sẻ, phải luôn yêu thương và mạnh dạn theo đuổi ước mơ trong đời mình”, những lời đó khắc ghi trong tâm thức của Hồng và là điểm tựa cho em trong cuộc sống. “Có những hy sinh thầm lặng mà đến mãi sau này em mới nhận ra, cả mẹ và chị gái em đã hy sinh vì em rất nhiều. Vậy nên, em luôn nhắc bản thân hãy cố gắng và sống hết mình, vì bản thân, vì mẹ, chị, vì những người thân yêu, làm một người có ích cho gia đình và xã hội”. 

"Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn". Chúc em Trịnh Thị Thúy Hồng luôn vẹn nguyên tình yêu, đam mê Toán học, tình yêu dành cho ĐH KHTN thân yêu và vững bước trên hành trình dài, nhiều thách thức phía trước. Chắc chắn, thành công sẽ theo đuổi em!

Trịnh Thị Thúy Hồng - Tốt nghiệp thủ khoa Toán học

·  Năm sinh: 1995

·  Quê quán: Hưng Yên

·  Ngành: Toán học (Khoa Toán - Cơ - Tin học)

·  Khóa luận tốt nghiệp: Đề tài “Về một bất đẳng thức điểm cho nghiệm của phương trình elliptic cấp bốn với số mũ âm”. Điểm khóa luận: 9.7

·  Điểm trung bình học tập: 3.78 (Xuất sắc)

·  Thành tích trong 4 năm học: 

- Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở (trường KHTN) (năm học 2013-2014, 2014-2015,2015-2016)

- Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc Gia 

- Giải Nhất trong hội nghị khoa học sinh viên khoa Toán - Cơ - Tin học năm 2017 và giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường

- Nhận được học bổng của Chương trình trọng điểm Quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020

- Đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn khóa 2013-2017

- Đạt thành tích tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán học khóa 2013-2017

Trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp, nữ sinh viên Đỗ Thị Phương đã trúng tuyển vị trí nhà nghiên cứu ở độ tuổi 22 với mức lương khởi điểm 2000$. Em luôn thầm cảm ơn nhà trường, các thầy cô không chỉ dạy dỗ, yêu thương mà còn là cầu nối của mối duyên nghề này.

Khởi đầu thuận lợi nhờ theo học ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học của trường ĐH KHTN

Không chỉ cung cấp thông tin tuyển dụng, trường ĐH KHTN Hà Nội còn là “người” giới thiệu nhân sự tin cậy đối với Công ty Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Hoá chất Kyowa (Nhật Bản). “Với sự giúp đỡ và tạo điều kiện của khoa, em và các bạn không gặp khó khăn gì trong quá trình ứng tuyển và phỏng vấn”. Những non nớt ban đầu trong quá trình làm CV của Phương cũng được các cô giáo góp ý, giúp cho CV trở nên mạch lạc, hoàn thiện và nổi bật. “Công ty cho biết sẽ cân nhắc để cho em và các bạn mới tốt nghiệp học thạc sỹ hoặc học trao đổi tại Nhật”, Phương vui mừng chia sẻ.

Đỗ Thị Phương cho rằng, có được khởi đầu thuận lợi đó, suy cho cùng là nhờ em trải qua chương trình học của ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học. Đây là một trong ba chương trình đào tạo có từ rất lâu tại khoa Hóa học, trường ĐH KHTN Hà Nội, với các môn học lý thú, đa dạng từ lý thuyết cơ bản tới các quá trình công nghệ ứng dụng. Ngoài những môn học về khoa học cơ bản, tạo tiền đề cho việc tư duy nghiên cứu, chương trình học còn có thêm một số môn học như Hóa kỹ thuật, Kỹ thuật tiến hành phản ứng, Thủy khí động lực học, Tách chất, Truyền nhiệt, Chuyển khối, thực tập thực tế tại nhà máy, Thiết kế thiết bị công nghệ hóa học, Hóa Tin ứng dụng trong công nghệ hóa học,... Nhà nghiên cứu trẻ tâm đắc: “Đó đều là những môn học rất hay, giúp chúng em có cái nhìn cụ thể hơn về các quá trình sản xuất thực tế, có thể tối ưu hóa các quá trình công nghệ,... Từ đó, có thể thấy, ứng dụng của ngành Hóa học và Công nghệ Hóa học trong thực tế sản xuất, làm khơi dậy hứng thú học hỏi, khiến ngành học không trở nên nhàm chán và có tính thực tiễn”.

Hình ảnh hội trường Ngụy Như Kon Tum - nơi em đón tân sinh viên K58 và nhận Bằng cử nhân khắc sâu trong tâm thức của Phương (thứ 4 từ trái qua)

Năm 2013, để đưa ra quyết định chọn trường chọn ngành, Phương tỏ ra khá chín chắn khi cân nhắc nhiều yếu tố như sở thích, sở trường cũng như ngành tốt, trường tốt. Em yêu thích Hóa học, hiểu rõ bản thân không phù hợp với các trường kinh tế đòi hỏi sự năng động, nhanh nhạy. Phương nhớ lại: “Em dành nhiều thời gian tìm hiểu, nhận thấy ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học là một ngành học ứng dụng của khoa học cơ bản, và trường ĐH KHTN là một trong các trường tốt nhất trong lĩnh vực khoa học theo như em được biết”.

Cứ thế, niềm đam mê học hỏi, hứng thú với Hóa học đó đã tiếp tục được nuôi dưỡng, thành tích của Phương cũng dần nhân lên tại trường ĐH KHTN. Em luôn đạt điểm xuất sắc 4 năm liền, là gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2016 của trường. Trước khi kết duyên nghề nghiên cứu tại Nhật Bản cho Phương, trường cũng là cầu nối giúp Phương nhận được học bổng của công ty UOP trị giá 500$ với kỳ thực tập đáng nhớ suốt 2 tháng hè tại công ty này ở Mỹ. Sau 4 năm đại học, ước mơ của Phương vẫn vẹn nguyên là được sống và làm việc như một nhà khoa học thật sự. Và trường đã, đang góp phần nuôi dưỡng và chắp cánh cho ước mơ lớn nhất đó của cử nhân Đỗ Thị Phương bay cao bay xa hơn.

PGS.TS. Trần Thị Dung, Trưởng bộ môn, khoa Hóa học - người trực tiếp hướng dẫn Phương trong nghiên cứu khoa học và làm khóa luận cho rằng Phương thông minh, chăm chỉ, chịu khó, thái độ nghiên cứu và học tập nghiêm túc. Cô cũng đánh giá cao kết quả khóa luận của em, nhất là khi đề tài đó khó hơn so với các bạn. “Có 5 sinh viên đạt học bổng của chương trình hợp tác giữa khoa và tập đoàn dầu khí UOP, Phương là sinh viên duy nhất được chọn sang Mỹ thực tập. Có 80 sinh viên Việt Nam do các trường đại học giới thiệu cho công ty Kyowa của Nhật, 10 em được chọn, trong đó có 3 sinh viên khoa Hóa học - ĐH KHTN. Phương là 1 trong 3 em đó”, cô Dung nhấn mạnh.

“Có những lúc chỉ muốn bỏ tất cả”

Phương nhận được thông báo trúng tuyển khi đang gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu cùng gia đình. Niềm vui lấp lánh xen lẫn lo âu trong ánh mắt của bố mẹ, sắp tới con gái út phải sống một mình nơi đất khách quê người.

Để đi đến “trái ngọt” đó, Phương đã phải vượt qua những giai đoạn tưởng chừng chỉ muốn bỏ tất cả. Đó là những ngày tháng đầu tiên đi học xa nhà. Đó là cảm giác thất vọng, mệt mỏi, chán nản mỗi lần làm thí nghiệm thất bại trong nghiên cứu khoa học và khóa luận. Một số sinh viên trượt dài trong mớ hỗn độn quen thuộc đó, đồng thời nhiều bạn đã chiến thắng được tất cả, trong đó có Phương. Em tin rằng “Những gì mình bỏ ra sẽ được đền đáp lại theo cách này hoặc cách khác, lúc này hoặc lúc khác”.

Phương đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị xin visa vào tháng 9 tới

Chia sẻ về kinh nghiệm học, Phương cho rằng các thầy cô đều dạy hay và rất tận tình, nên để hiểu những gì học trên lớp là không khó nếu có ý thức học tập. Bên cạnh đó, cần tự đọc và tự tìm hiểu mới hiểu sâu, nhớ lâu. Khi đó, kiến thức sẽ đọng lại lâu hơn, điểm thi cao cũng là điều tự nhiên. Đối với các môn thực hành, bản thân em luôn để ý kĩ các thao tác và đặt ra các câu hỏi, tại sao lại làm thế này mà không làm thế kia, đồng thời ghi lại các hiện tượng thấy được. Việc thực hành thí nghiệm vất vả, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi cảm thấy đúng, cảm thấy thỏa mãn với kết quả thu được thay vì “làm cho xong”. Ngoài ra, với sinh viên học khoa học, tiếng Anh cần được chú trọng hơn cả để có thể sử dụng các tài liệu, bài báo quốc tế cũng như thêm nhiều cơ hội học bổng, việc làm. Em thường xem phim có phụ đề tiếng Anh và luyện đọc qua các bài báo hay mẩu truyện,...

Phương pháp học, thực hành khoa học, kiên trì, cùng sự hướng dẫn của thầy cô là công thức học tốt của Phương. Các thầy cô giáo, trong đó có hai cô giáo hướng dẫn Phương là PGS.TS. Trần Thị Dung và Th.S. Ngô Hồng Ánh Thu đã luôn tận tình hướng dẫn, khích lệ sinh viên tìm hiểu và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc. Các thầy cô hướng dẫn lớp cũng rất nhiệt tình và thường xuyên gợi ý các câu hỏi, từ đó sinh viên suy nghĩ, đào sâu kiến thức lý thuyết hơn sau các buổi thực hành. Phương nhớ mãi thời gian làm nghiên cứu khoa học, deadline cận kề mà em vẫn chưa có kết quả dù đã thử rất nhiều phương pháp khác nhau. Nhiều ngày, cô giáo đã hướng dẫn trên lab với em đến 9h tối, luôn động viên tinh thần, giúp em vượt qua bế tắc và hoàn thành đúng hạn.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           

“Đó là những điều quý giá và may mắn nhất. Hoàn thành chương trình học, em đã tích lũy được các kiến thức nền tảng rất cần cho công việc của mình. Sau này trên những chặng đường tiếp theo, em mãi không quên những sự giúp đỡ to lớn này, để tiếp tục đi qua các khó khăn”, Phương chia sẻ.

Đỗ Thị Phương - Tốt nghiệp Xuất sắc khoa Hóa học

·  Năm sinh: 1995

·  Quê quán: Mê Linh - Hà Nội

·  Ngành: Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (Khoa Hóa học)

·  Khóa luận tốt nghiệp: Đề tài “Khảo sát một số điều kiện chế tạo và đánh giá đặc tính màng siêu lọc Polyacrylonitrile''. Điểm khóa luận: 9.6

·  Điểm trung bình học tập: 3.73 (Xuất sắc)

·  Thành tích trong 4 năm học: 

- Thành tích học tập xuất sắc 4 năm liền  

- Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở (trường KHTN) năm 2016

- Nhận được học bổng của công ty UOP trị giá 500$ và đi thực tập 2 tháng hè tại công ty này ở Mỹ

- Đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn khóa 2013-2017

Trần Hồng Quân và Trần Minh Tâm, hai sinh viên ngành Toán, chương trình Cử nhân khoa học Tài năng, Khoa Toán - Cơ - Tin học, trường ĐH KHTN vừa giành được hai suất học bổng của trường Đại học Sư phạm Paris (École Normale Supérieure, ENS).

Học bổng dành cho sinh viên xuất sắc

ENS - thành viên của Viện Paris Sciences et Lettres (PSL) - nổi tiếng là trường đại học đào tạo sinh viên xuất sắc và có những labo nghiên cứu phát triển nhất của Pháp. Nhiều sinh viên của trường sau này trở thành các nhà khoa học lớn, với 13 giải Nobel và 10 giải thưởng Fields, trong đó có GS. Ngô Bảo Châu.   

Ngôi trường ENS Paris danh tiếng

Điều đặc biệt là quy mô của trường rất nhỏ, mỗi khoa Toán hay khoa Khoa học máy tính của trường chỉ có trên dưới 10 sinh viên mỗi khoá. Do đó, trường xét tuyển khắt khe, số lượng sinh viên đỗ rất ít (thường nhận 2 sinh viên nước ngoài từ tất cả các nước dự thi).

Nhận thấy chương trình tuyển sinh của ENS dành cho sinh viên quốc tế là cơ hội đặc biệt tốt để học Toán, Trần Minh Tâm và Trần Hồng Quân cùng nhau gửi hồ sơ tham gia. Hồ sơ bao gồm: CV, kết quả học tập, thư bày tỏ nguyện vọng, 3 thư giới thiệu,.... Vượt qua vòng loại, hai em lên tinh thần "khăn gói quả mướp" bay sang Paris ứng thí.

Năm 2017, theo thoả thuận Hợp tác giữa trường ENS và Việt Nam, trường ENS và Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) xây dựng quy chế tuyển sinh viên Việt Nam. Mỗi năm, ENS dành một suất học bổng ngành Toán và một suất học bổng ngành Khoa học máy tính cho sinh viên Việt Nam (nếu có sinh viên đạt tiêu chuẩn). Một suất học bổng kéo dài 3 năm để sinh viên theo học Đại học năm thứ 3 (License 3) và hai năm Cao học (Master 1 và Master 2).

Chương trình liên kết này do GS. Ngô Bảo Châu, GS. Phan Dương Hiệu và PGS. Phan Thị Hà Dương phụ trách. Nhờ chương trình hợp tác và sự giúp đỡ trực tiếp của PGS. Phan Thị Hà Dương, Quân và Tâm được tham gia bài thi vấn đáp do hội đồng chung giữa ENS và Việt Nam tổ chức trực tuyến qua Skype thay vì phải sang Paris.

Khuôn viên của trường ENS Paris

Hai em kể lại, cuộc phỏng vấn diễn ra đúng 1 tiếng đồng hồ. Mỗi thí sinh suy nghĩ về hai bài toán của Hội đồng trong vòng 20 phút, sau đó trình bày phần giải bằng lời nói và viết lên bảng. Nếu thí sinh “bí” sẽ được gợi ý dần dần để giải quyết xong bài toán. Bài toán đầu của Quân là “Chứng minh rằng không thể phân hoạch hình cầu S^2 thành các đường tròn có bán kính dương”. Bài thứ 2 tương tự câu đầu, áp dụng đối với hình cầu S^3. Trong thời gian còn lại, Hội đồng hỏi vấn đề tổng quát hóa của các bài toán đó cùng một số câu liên quan để thí sinh tiếp tục suy nghĩ và trả lời.

Một tuần sau, hai em nhận tin vui. Hồng Quân theo chương trình Đại học năm thứ 3 và hai năm Cao học. Minh Tâm được nhận vào lớp Master 1. Học bổng do ENS trao cho Quân và Tâm trị giá 1000 euro/tháng để chi tiêu cho sinh hoạt (Trường trả học phí, bảo hiểm, hỗ trợ phí ở ký túc xá,...). Hai em sẽ bắt đầu chương trình học của mình vào tháng 9/2017 tới đây.

Ngoài học bổng, điều quan trọng nhất là Quân sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi đặc biệt của sinh viên ENS. Được biết, trong số học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, cho đến nay, chỉ có GS. Ngô Bảo Châu là sinh viên của ENS trong ngành Toán.

"Không có bí quyết cũng không gặp khó khăn gì"

Trần Hồng Quân sinh năm 1996, không ngừng theo đuổi ước mơ trở thành 1 nhà toán học giỏi. Em từng đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2014, giải thưởng Lê Văn Thiêm, giải Nhất Olympic Sinh viên toàn quốc môn Đại số 2015 và nhiều giải thưởng khác. 3 năm liền theo học Cử nhân khoa học Tài năng ngành Toán học K59, em đạt thành tích xuất sắc với 3,60 điểm. Quân lựa chọn chương trình đào tạo này vì em cho rằng: "Đây là chương trình uy tín và tốt nhất về ngành Toán ở bậc đại học ở Việt Nam". "Ngoài ra, nếu học giỏi còn được nhận nhiều loại học bổng với mức khá cao, đủ để sinh viên ăn chơi nhảy múa", Quân cho biết.

Trần Hồng Quân từng đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2014

Trần Minh Tâm sinh năm 1995, gắn bó với trường ĐH KHTN từ THPT Chuyên, vừa tốt nghiệp loại Xuất sắc ngành Toán học, chương trình Cử nhân khoa học Tài năng năm 2017 với số điểm 3,69. Tâm từng góp mặt trong một số chương trình trao đổi sinh viên của trường như giao lưu sinh viên tại Nhật Bản; trao đổi sinh viên SKKU-VNU SEP tại Hàn Quốc; đạt giải Ba Olympic Sinh viên toàn quốc môn Đại số 2015; đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở 2015, 2016 và danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQGHN 2017;...

Điều đặc biệt hơn cả, dù nhận được vô số câu hỏi về bí quyết học tập nhưng cả Hồng Quân và Minh Tâm đều khẳng định hai em "không có bí quyết nào". Thậm chí, nhắc đến môn Toán, trong khi ai nấy đều cảm thấy "khó nhằn", thì Quân và Tâm lại cho rằng "không có khó khăn hay thử thách nào cả".

Chia sẻ rõ hơn về điều này, Hồng Quân nói: "Học Toán khó, như nghĩ nát óc một bài toán hay cố gắng hiểu một lí thuyết mới đặc biệt khó hiểu. Theo em, đó không được gọi là khó khăn hay thử thách. Bản thân em học một cách... bình thường, nghĩ thật nhiều, luôn luôn đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc và cố gắng tự mình giải đáp; không giải được thì đi hỏi thầy cô, bạn bè. Điều này, chắc ai cũng biết". Cùng quan điểm với Quân, Minh Tâm cho rằng "được đi học đã là một niềm vui rồi".

Có lẽ, chính tình yêu Toán cùng thái độ khiêm tốn, trân trọng sự học, đã giúp cả hai chàng trai này đón nhận áp lực như lẽ thường tình. "Còn rất nhiều thứ chúng em không biết hay biết mà chưa hiểu thấu đáo", Tâm nhấn mạnh.

Trần Minh Tâm tốt nghiệp loại Xuất sắc ngành Toán học, chương trình Cử nhân khoa học Tài năng năm 2017 với số điểm 3,69

Là người chủ động và tự quyết, nhưng Quân vẫn khẳng định, gia đình, thầy cô và môi trường tác động rất nhiều đến việc học của em. "Khi con người ta hạnh phúc thì tự nhiên sẽ làm việc hiệu quả hơn". Chàng trai vừa tròn 20 tuổi nhắn nhủ: "Em cảm ơn các thầy cô đã từng dạy em và tất cả các bạn cùng lớp đã giúp những năm tháng ở ĐHKHTN của em thực sự trọn vẹn. Với các sinh viên khóa dưới, hãy làm tốt ngay từ khi bắt đầu! Vì những môn học đầu tiên cực kì quan trọng. Học tốt những môn cơ bản đó sẽ giúp cho các môn về sau dễ dàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, cần tích cực nói chuyện với các thầy cô, vừa có thể hiểu thêm về Toán cao cấp, vừa có thêm nhiều thông tin, cơ hội, và đơn giản là rất vui nữa". Đó cũng là điều Minh Tâm muốn gửi gắm sau 4 năm gắn bó với trường trước khi sang Pháp tiếp tục theo đuổi con đường học tập của mình.

Các cựu sinh viên Cử nhân khoa học Tài năng đã lập nhóm "Học bổng ngành Toán - Cơ - Tin học" trên Facebook để giới thiệu và hỗ trợ sinh viên tìm học bổng, bao gồm các lĩnh vực: Toán học, Cơ học, Tin học, Khoa học Máy Tính, Khoa học Trái đất,.... Các em sinh viên, học viên quan tâm có thể theo dõi nhóm này theo đường link sau: https://www.facebook.com/profile.php?id=1690880857871224&ref=br_rs.

Năm 2013, Nguyễn Hồng Hà gia nhập lớp Công nghệ hạt nhân K58, Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN, điểm đầu vào 20.5. Năm 2017, Hà tốt nghiệp xuất sắc với 3.64 điểm, dẫn đầu cả lớp, cả khoa và xếp thứ 19 trong toàn Trường.

 

Những chia sẻ chân thành, nhiều nỗi buồn nhưng đầy nỗ lực của Hà sau đây hy vọng sẽ đem lại điều - gì - đó - có - ý - nghĩa cho các em sinh viên, đặc biệt là với những bạn có xuất phát điểm đầu vào ở mức trung bình như Hà.

Chào Hà! Điều gì khiến em chọn Khoa Vật lý - ĐHKHTN? Điểm thi đại học của em phản ánh đúng thực lực của em thời điểm đó hay có lý do gì khác?

Hồng Hà: Em chọn khoa Vật lý của trường xuất phát từ câu chuyện rất buồn trong cuộc sống. Một buổi tối khi đi học thêm về, người yêu cũ hồi học phổ thông của em bị tai nạn giao thông. Cô ấy mất trên đường đi cấp cứu còn người ta không điều tra ra thủ phạm.

Sau chuyện đó, em không học hành được gì trong hơn một học kỳ lớp 12. Ban đầu, em quyết định thi Học viện Cảnh sát với mong muốn sau này sẽ không có thêm những người phải chịu cảnh đau thương như em và gia đình bạn ấy nữa. Nhưng vì một số lý do, em không thể thi các trường khối Cảnh sát hoặc An ninh được.

Lúc đó, em rất buồn. Nghĩ lại hồi cô ấy còn sống, cô ấy có tâm sự là muốn học ngành Vật lý - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Do đó, em đã quyết định nộp hồ sơ thi vào trường mình, giúp cô ấy hoàn thành ước nguyện. Em chọn ngành Công nghệ hạt nhân. Mỗi năm, khi gần Tết, em đều đến ngồi trước mộ cô ấy, thắp nén hương, kể lại chuyện học hành trên trường cho cô ấy nghe, cảm nhận của mình về từng môn học, từng thầy dạy,…

Điểm thi đại học của em thấp do bản thân em là chính, bởi hơn một học kỳ năm lớp 12 em chìm đắm trong chuyện buồn đã xảy ra. Bạn bè, gia đình cũng an ủi nhiều, và rồi em kịp dành 3 tháng trước khi thi để tập trung ôn luyện.

Điểm thi đại học của em ở mức nào so với các bạn trong lớp, trong khóa K58 trường ĐHKHTN?

Hồng Hà: Điểm thi của em so với mặt bằng chung của lớp là ở mức giữa và khá thấp so với trường mình.

Với xuất phát điểm như thế, tâm lý và nhận thức của em khi bắt đầu đời sinh viên như thế nào?

Hồng Hà: Ban đầu, em thấy chuyện đó bình thường, thi vào được trường là em thấy vui rồi. Về sau, em chỉ nghĩ một điều đó là cố gắng học để hoàn thành thật tốt ước nguyện của cô ấy. Nên mọi môn tại đại học, em đều học kỹ để hiểu cặn kẽ đến gốc rễ. Vật lý là một môn rất khó, nếu nắm được gốc rễ của nó thì mọi chuyện trở nên dễ dàng.

Các thầy cô cho biết em đã rất cố gắng trong học tập, hoạt động. Cụ thể em đã học như thế nào, hoạt động ra sao? Mục tiêu và phương pháp của em là gì?

Hồng Hà: Để đạt được mục tiêu thì bao giờ cũng cần có động lực, mà động lực của em phần lớn là từ cô ấy. Ngoài ra, em biết sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý.

Có động lực vẫn chưa đủ, phải có cả một con đường đúng đắn thì mới dẫn ta tới thành công được. Do đó, em rất hay đọc những sách về kỹ năng sống, kỹ năng học tập cho sinh viên và áp dụng chúng vào cuộc sống của em.

Nguyễn Hồng Hà (thứ 2 từ phải qua) dự hội nghị NCHEP 2016

Nguyễn Hồng Hà nhận học bổng Hoàng Phương

Quá trình học tập của em đã nhận được những hỗ trợ nào và từ những ai?

Hồng Hà: Từ hồi năm 2, em đã tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên. Em theo thầy Bùi Văn Loát tại bộ môn Vật lý hạt nhân. Thầy rất tốt, nhiệt tình giúp đỡ sinh viên. Ngoài ra, em cũng quen những anh chị khóa trên và được các anh chị chia sẻ nhiều kinh nghiệm học tập.

Em nghĩ sao về kết quả mà mình đã đạt được? Trong đời sinh viên, điều tự hào nhất và điều hối tiếc nhất của em là gì?

Hồng Hà: Em cảm thấy bản thân mình thật sự xứng đáng với kết quả mà mình đã cố gắng. Điều khiến em thấy tự hào nhất là được học tại một ngôi trường thi cử nghiêm túc, có bề dày truyền thống đào tạo, có nhiều cựu sinh viên thành đạt.

Bây giờ ngồi nhìn lại, em thấy 4 năm đại học trôi qua nhanh cứ như sau một đêm. Và em thấy bản thân mình hiện tại đã trưởng thành hơn rất nhiều so với “đêm qua”. Em quan niệm, dù bản thân có thua kém người khác, nhưng chỉ cần ta cố gắng phấn đấu, bản thân ta của ngày hôm nay hơn bản thân ta của ngày hôm qua, đó là một thành công. Vì vậy, có thể coi em đã có đời sinh viên thành công.

Em đến với công việc hiện tại như thế nào? Em nghĩ sao về công việc này?

Hồng Hà: Hiện em đang làm tại Trung tâm Vật lý hạt nhân - Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Công việc hiện tại em làm là đúng với chuyên môn mà em đã theo học ở trường. Em được nhận vào làm là do em theo một thầy hướng dẫn để làm khóa luận tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, thầy đã nhận em vào làm việc.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em trong đời sinh viên là gì?

Hồng Hà: Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với em là những năm tháng sống trong ký túc xá của trường. Em được ở 3 năm trong đó. Hồi đấy, em ở phòng 8 người, mọi người sống vui và tình cảm lắm. Ốm đau bạn bè chia nhau từng viên thuốc, cuối tháng vay nhau từng gói mì tôm. Giản dị vậy thôi mà ấm áp vô cùng. Em còn nhớ cả những cô quản lý ở thư viện trong ký túc xá, luôn nhiệt tình, luôn mỉm cười.

Năm nay, có nhiều sinh viên vào Trường ĐHKHTN với tâm lý không được tốt khi có số điểm đầu vào thấp. Là một cựu sinh viên, từng có xuất phát điểm tương tự nhưng đạt thành tích học tập cao và đã sớm có công việc ổn định, em muốn gửi gắm gì tới các tân sinh viên?

Hồng Hà: Để tâm sự về câu chuyện này, em xin lấy ví dụ về Toán học, thể hiện qua hình vẽ như trên. Anh B có xuất phát điểm thấp hơn anh A rất nhiều, nhưng xét về đồ thị thì đường thẳng của anh B có độ dốc lớn hơn anh A. Và rồi sẽ có một lúc nào đó 2 đồ thị này sẽ cắt nhau. Về sau và mãi mãi, đồ thị của anh B sẽ vượt trên cả anh A.

Điều em muốn đề cập ở đây là xuất phát điểm quan trọng nhưng độ dốc mới quyết định tất cả - bao gồm thái độ tích cực, sự quyết tâm tích lũy, rèn luyện trong học tập, nghiên cứu và trong cuộc sống. Dù anh A xuất phát điểm cao hơn anh B, nhưng nếu độ dốc nhỏ, thì sẽ tới một thời điểm, anh B sẽ sánh ngang với anh A, và có thể sau này mãi mãi anh B sẽ vượt lên trên anh A.

Cảm ơn em, chúc em vững bước và thành công trên con đường đã chọn!

“Địa lý tự nhiên giúp tôi thỏa đam mê du lịch và thực địa”, đó là chia sẻ của Trần Hải Anh, tân cử nhân khoa học tốt nghiệp loại Giỏi ngành Địa lý tự nhiên, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Em đã đặt chân đến 51 tỉnh thành trong cả nước và đang từng bước theo đuổi định hướng của mình.

Trong mắt nhiều người, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thường là những chàng trai cô gái đeo kính cận dày cộp, miệt mài học tập và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm. Thực tế, có những sinh viên vừa học giỏi, làm tốt nghiên cứu khoa học, lại vừa năng động, giỏi tiếng Anh và ngoại hình nổi bật, xinh tươi. Trần Hải Anh, K59 ngành Địa lý tự nhiên là một cô gái như thế. 

Hải Anh gây ấn tượng bởi chiều cao 1m68 và gương mặt thanh tú

Hải Anh sinh năm 1996, cựu học sinh chuyên Hóa, khóa K45 Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Muốn học tập chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học vừa có tính chất nghiên cứu vừa có tính thực tiễn cao nên em đã chọn ngành Địa lý tự nhiên. Hải Anh như một “travel girl”, say mê với những cung đường, du lịch, khám phá và trải nghiệm nên em chọn chuyên ngành Địa nhân văn và Kinh tế sinh thái. Kiến thức và tâm huyết của  các thầy cô giáo trong Khoa Địa lý là góp phần truyền cảm hứng cho Hải Anh trên những hành trình của mình.

Các bạn sinh viên K59 đi thực tập thiên nhiên tại Ba Vì ngay từ hè năm thứ hai

Lớp K59 Địa lý tự nhiên chỉ có 2 nam sinh “mì chính cánh” nhưng mọi người gắn kết với nhau bởi tình cảm vô tư, nồng nhiệt của tuổi trẻ. Họ sát vai nhau trong mọi chuyến đi thực địa, mỗi chuyến kéo dài cả tuần liền ở những nơi xa.

Hải Anh đón các bạn sinh viên khoa Địa lý - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Kansai Nhật Bản sang Việt Nam đi thực địa

Bên cạnh hàng loạt hoạt động thực tế, chương trình học của Địa lý tự nhiên liên quan đến cả Toán, Vật lí, Hóa học. Là dân chuyên Hóa, có thế mạnh khối A, nên Hải Anh học các môn chung khá nhẹ nhàng. Đặc biệt, em thi vượt trình tiếng Anh từ năm đầu nên em có thêm thời gian để học tập các môn khác. Hải Anh chỉ chật vật hơn chút khi bước vào các môn học chuyên ngành. Sau 4 năm học tập, em đạt kết quả tốt nghiệp loại giỏi và có thành tích Nghiên cứu khoa học.  “Đã có lúc em thấy nản chí, nhưng càng học, càng thu được nhiều kiến thức và các thầy cô cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích bởi Địa lý là môn khoa học không gian nên nó giúp ta lý giải những gì xuất hiện và diễn biến xung quanh chúng ta. Hơn nữa Khoa Địa lý  như ngôi nhà thứ 2 của chúng em, các thầy cô luôn tâm huyết và ân cần chỉ dạy và hướng dẫn tận tình cho chúng em”.

Sự thân thiện của người dân Bản Ngòi là một kỉ niệm đẹp của Hải Anh trong chuyến thực địa lấy số liệu cho đề tài nghiên cứu khoa học

Năm cuối, Hải Anh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng: “Nghiên cứu phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình”. Đề tài đã làm rõ thực trạng phát triển tại khu vực theo các bộ nguyên tắc đánh giá khác nhau và qua đó đưa ra các đề xuất mô hình vận hành du lịch theo hướng phát triển bền vững. Đề tài đạt giải Ba nghiên cứu khoa học ngành Địa lý tự nhiên – Quản lí Đất đai lần thứ XXIII. “Lớp em cũng có các bạn nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai, các bạn có nhiều kinh nghiệm và được thầy cô đánh giá cao”.

Nữ sinh Hà Nội xinh đẹp say mê môn Hóa học từ cấp 2

“Ngành học này không dễ tìm công việc đúng chuyên ngành, do thị trường lao động chứ không phải do các bạn không giỏi. Cũng vì thế, sinh viên học Địa lý khá năng động để thích ứng với điều này. Các anh chị khóa trên có thể “biến hóa” nhiều công việc khác nhau chứ không chỉ giảng dạy hay nghiên cứu khoa học. Nhiều người làm ở các công ty về công nghệ địa chính, Địa lý, công nghệ bản đồ, viễn thám,... hoặc học thêm các lĩnh vực khác”, Hải Anh thẳng thắn chia sẻ. Em cho rằng có nhiều cơ hội dành cho mình và các bạn nếu như các tân cử nhân không đặt nặng vấn đề xuất phát điểm phải cao ngay từ sau khi ra trường.

Chuyến đi thăm Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) đã cho Hải Anh nhiều kiến thức về điệu múa của dân tộc Chăm pa

Chuyến trải nghiệm thú vị ở Nha Trang khi cùng tour của em có các thầy giáo Ấn Độ sang nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam

Hải Anh cho biết em rất hào hứng khi được tới thăm viện Hải Dương học tại Nha Trang - nơi các thầy Khoa Địa lý thường xuyên nhắc đến

Để theo đuổi định hướng của mình, hiện Hải Anh đang ôn tập cho kì thi SAT – một chứng chỉ quốc tế có ích cho các bạn theo học ngành Khoa học và Công nghệ. Trước đây, em có dịp dẫn chương trình bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt khi em theo học các lớp kĩ năng, cũng như là thử sức với vai trò “hướng dẫn viên” cho các bạn sinh viên khoa Địa trường Đại học Khoa học Tự nhiên Kansai, Nhật Bản.

Đảm nhận vai trò dẫn chương trình tại cuộc thi sinh viên tài năng HUS GOT TALENT

Sở hữu chiều cao 1m68 và gương mặt thanh tú, đã nhiều lần gia đình ủng hộ Hải Anh đăng kí thử sức ở các cuộc thi người đẹp nhưng vì không muốn bảo lưu thời gian học tập nên đành gác lại. “Em muốn khẳng định, con gái học khoa học cũng rất năng động. Em dự định trau dồi thêm kiến thức và kĩ năng hùng biện bằng tiếng Anh để tham gia các cuộc thi khác. Đặc biệt, với sở thích tìm hiểu văn hóa Việt Nam, em mong muốn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Có lẽ, không cần thông qua các cuộc thi đó, với những thể hiện của mình, Hải Anh cũng đã đem đến góc nhìn thú vị khác về con gái học khoa học rồi.

Đã nhiều lần gia đình ủng hộ Hải Anh đăng kí thử sức ở các cuộc thi người đẹp có uy tín

Với Hải Anh, những chuyến đi của mình còn khiêm tốn so với nhiều bạn đã đến rất nhiều nước trên thế giới

Trong các chuyến đi của mình, Hải Anh không bỏ lỡ cơ hội khám phá các tỉnh thành phát triển du lịch như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Yên,...

Ngày 23/8/2017, hai sinh viên người Pháp là Florian OSER và Rayan MARTIN đã có bài thuyết trình báo cáo về quá trình thực tập trong hơn hai tháng qua tại Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN. Hai bạn là sinh viên chuyên ngành Toán - Tin của Trường Quốc tế về Khoa học xử lý thông tin (École International des Sciences de Traitement d'Information - EISTI).

Florian và Rayan tại lớp học ở Hà Nội và trong kỳ hội thảo tại Hải Phòng cùng thầy cô giáo ĐHKHTN

TS. Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học và TS. Đỗ Thanh Hà là hai giáo viên hướng dẫn của Florian và Rayan. Hai thực tập sinh được giao làm việc nhóm trong đề tài "Xây dựng công cụ phân loại ảnh phục vụ bài toán tạo sinh ảnh dựa vào mô tả dạng văn bản". Công việc được tiến hành theo nhiều bước nhỏ, sau mỗi bước sinh viên đều phải trình bày báo cáo.

TS. Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, đây là đề tài nghiên cứu kết hợp giữa xử lý ngôn ngữ và xử lý ảnh do TS. Minh Huyền và TS. Thanh Hà lần đầu tiên phối hợp thực hiện. Nhóm sinh viên được tiếp cận chủ đề mới này thông qua luận án tiến sĩ năm 2016 của Andrej Karpathy - Đại học Stanford với tên gọi: "Kết nối Hình ảnh và Ngôn ngữ Tự nhiên".

TS. Thanh Hà và TS. Minh Huyền (từ trái qua) tại một hội thảo của Trường ĐHKHTN

Nhận xét về quá trình thực tập, cô Huyền đánh giá cao sự tập trung, thái độ làm việc tích cực, tính kỷ luật cũng như kết quả nghiên cứu của các sinh viên Pháp. Qua kỳ thực tập, Florian và Rayan đã tìm hiểu được một vấn đề mới, nắm bắt được lý thuyết; biết khai thác, sử dụng công cụ phần mềm có sẵn để huấn luyện mô hình và tạo sinh mô tả văn bản cho một bức ảnh bất kỳ. Các bạn cũng tự viết các chương trình đơn giản phục vụ việc tìm kiếm theo văn bản trong cơ sở dữ liệu ảnh và cho phép cập nhật thông tin, hiệu chỉnh văn bản mô tả.

Buổi báo cáo cuối cùng trong kỳ thực tập của Florian và Rayan

Trong thời gian hướng dẫn thực tập, các giảng viên Khoa Toán - Cơ - Tin học luôn duy trì liên lạc với trường EISTI thông qua cô Elodie CASSIAU - Trợ lý Quan hệ quốc tế và Doanh nghiệp và thầy Karam FAYAD - giảng viên theo dõi thực tập của Florian và Rayan. Trước đó, đích thân thầy Nesim FINTZ – Tổng Giám đốc EISTI và cô Laurence LAMOULIE – Giám đốc cơ sở Pau của trường EISTI  đã gửi thư cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đề nghị trao đổi thực tập sinh. 

EISTI thành lập năm 1983, là trường đại học công nghệ được xếp hạng 12 của Pháp năm 2006. Mối quan hệ hợp tác giữa hai trường khởi đầu từ tháng 10.2015, sau chuyến thăm và làm việc đầu tiên tại ĐHKHTN của bà Marie Josée Lamerre - Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế. Chị Nguyễn Thị Việt Nga - cựu sinh viên K37 Khoa Toán – Cơ – Tin học của ĐHKHTN, hiện là giảng viên EISTI chính là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác này.

05 sinh viên ĐH EISTI thực tập tại ĐHKHTN năm 2016. Các bạn đã có những kỷ niệm đáng nhớ tại Việt Nam cùng thầy cô giáo ĐHKHTN

Năm 2016, 05 sinh viên ĐH EISTI đã chọn Khoa Toán - Cơ - Tin học Trường ĐHKHTN để thực tập. Được biết, các bên đang xúc tiến cho một dự án hợp tác trao đổi giảng viên hai chiều, nếu thành công sẽ trở thành mốc phát triển mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai trường.

Nhân dịp hai sinh viên của EISTI hoàn thành kỳ thực tập tại ĐHKHTN, phóng viên Trung tâm CNTT&TT - ĐHKHTN đã có cuộc nói chuyện ngắn với Florian và Rayan.

PV: Xin chào Florian và Rayan. Vì sao bạn chọn Trường ĐHKHTN và Việt Nam là điểm đến cho chuyến thực tập của mình?

Florian và Rayan: Chúng tôi chọn Đại học Khoa học Tự nhiên vì đây là một trường đại học tốt ở Việt Nam được nhiều người biết đến. Quả thực, Toán học và Khoa học máy tính là một trong những ngành đào tạo tốt nhất ở Việt Nam. Chúng tôi chọn Việt Nam vì chúng tôi muốn làm điều gì đó xa quê hương của mình (Pháp). Chúng tôi cũng muốn biết thêm về đất nước tuyệt vời này.

PV: Vậy đề tài bạn được giao là gì? Bạn thấy đề tài đó thế nào?

Florian và Rayan: Chủ đề của chúng tôi liên quan đến ứng dụng kỹ thuật học máy vào quá trình mô tả hình ảnh. Chúng tôi đã tiếp cận sơ qua ​​chủ đề thú vị này tại trường EISTI. Lĩnh vực học máy đang phát triển một cách mạnh mẽ những năm gần đây. Đó là một hướng khó nhưng cô Hà và cô Huyền đã giúp chúng tôi hiểu được vấn đề trong lĩnh vực này.

Florian và Rayan thưởng thức cà phê Việt Nam với giảng viên hướng dẫn

PV: Điều gì ấn tượng nhất với bạn về kỳ thực tập này?

Florian và Rayan: Những người ở ĐHKHTN rất thân thiện và dễ mến. Chúng tôi đã có rất nhiều bạn ở đây, bao gồm cả sinh viên và giáo viên.

Những người bạn trong ĐHKHTN cho biết Florian và Rayan rất chăm chỉ, nghiêm túc với công việc được giao, tích cực tham gia các hoạt động ngoài chuyên môn và thân thiện với mọi người

PV: Các bạn sống ở đâu trong thời gian thực tập? Ngoài việc thực tập ở trường, các bạn còn dành thời gian cho những hoạt động nào khác khi sống tại Hà Nội?

Florian và Rayan: Chúng tôi đã sống tại Royal City R6 vì nơi này gần trường, lại yên tĩnh và nhiều dịch vụ. Thường ngày, chúng tôi chơi một số môn thể thao tốt cho sức khỏe. Chúng tôi tới câu lạc bộ thể dục khoảng 1 giờ / ngày, thỉnh thoảng đi bơi hoặc đi bộ trên phố. Cuối tuần, chúng tôi gặp gỡ những người bạn đến từ Pháp, hiện đang học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi cùng nhau khám phá thành phố, tụ tập tại trung tâm của Hà Nội.

PV: Về Pháp, bạn sẽ kể gì với bạn của mình về Trường ĐHKHTN và về Việt Nam?

Florian và Rayan: Tôi sẽ nói với bạn bè của tôi rằng nếu muốn nhìn thấy một nước ngoài với những giảng viên đại học giỏi và phong cảnh tuyệt vời thì họ nên đến Việt Nam.

PV: Theo bạn, thầy cô, khoa Toán - Cơ - Tin học và ĐHKHTN có thể làm gì để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên nước ngoài?

Florian và Rayan: Chúng tôi rất may mắn vì ở đây có cô Huyền nói tiếng Pháp. Điều đó rất quan trọng trong quá trình làm việc, giúp chúng tôi không bị hiều nhầm, hiểu sai những gì mà nhà trường yêu cầu. Chúng tôi hài lòng về kỳ thực tập này!

PV: Cảm ơn các bạn!

Một số hình ảnh về những trải nghiệm đáng nhớ với thầy cô ĐHKHTN của Florian và Rayan:

Florian và Rayan hòa mình vào sông nước Vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà, phía Nam vịnh Hạ Long. Chuyến tham quan này được tổ chức kết hợp hội thảo diễn ra ở Hải Phòng

Florian và Rayan khám phá Sapa - một thị trấn vùng cao và là một khu nghỉ mát nổi tiếng

Hai sinh viên Pháp tham gia giải bóng đá Khoa Toán mở rộng năm 2017

Thông tin về hai giảng viên hướng dẫn của thực tập sinh EISTI:

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học, Trưởng Bộ môn Tin học

Tốt nghiệp Tiến sĩ Tin học, Đại học Henri Poincaré – Nancy I, Nancy, Pháp vào năm 2006, hiện cô Minh Huyền tập trung nghiên cứu Xử lý ngôn ngữ tự nhiên/Ngôn ngữ học máy tính. Ngoài việc giảng dạy tại trường, chị còn là thành viên tích cực trong việc tham dự các hoạt động khoa học trong nước và quốc tế, là một trong các thành viên chủ chốt trong ban tổ chức chuỗi hội thảo về Xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt (Vietnamese Language and Speech Processing – VLSP workshops). Tham khảo thêm tại: http://mim.hus.vnu.edu.vn/vi/canbo/huyenntm

Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà – Phó Trưởng Bộ môn Tin học, Khoa Toán – Cơ – Tin học

Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà hiện là Phó Trưởng bộ môn Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô tốt nghiệp tiến sĩ ngành Tin học, trường Đại học Lorraine, Pháp năm 2014. Các lĩnh vực nghiên cứu chị quan tâm bao gồm: Nhận dạng đối tượng, xử lý ảnh tài liệu, và tối ưu thuật toán nhìn máy trong xe tự hành. Hiện tại, ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy ở Trường, cô còn là cố vấn khoa học tại Viện nghiên cứu công nghệ FPT. Tham khảo thêm tại: http://mim.hus.vnu.edu.vn/vi/canbo/hadt

Nhiều khóa sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên gọi Hòa Lạc là “Hola” - nơi đong đầy tình cảm thân thương và trân trọng như một trong những kỉ niệm đẹp nhất đời sinh viên. Hàng nghìn sinh viên năm thứ nhất cũng vừa hoàn thành khóa học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại nơi đây, trọn vẹn 28 ngày “vàng”.

Ngày 20/7/2018, hơn 1.000 sinh viên năm thứ nhất (K62) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) đã trở về sau 28 ngày “vàng” học tập và sinh hoạt ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (TT GDQP&AN) - ĐHQGH (Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội). Trước đó, ngày 13/7, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN - PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh cùng đại diện lãnh đạo Phòng Đào tạo, Phòng Công tác và Chính trị sinh viên, Đoàn Thanh niên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm. Các thầy đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên sinh viên Nhà trường tại Hòa Lạc.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐHKHTN đã có buổi làm việc với lãnh đạo TT GDQP&AN và thăm hỏi, động viên sinh viên tại Hòa Lạc

Khóa 25 Giáo dục quốc phòng và an ninh bắt đầu từ ngày 23/6/2018. Như rất nhiều sinh viên khác, Đỗ Thị Hồng Vân, K62 Toán học háo hức đếm từng ngày trước khi lên Hòa Lạc. Em lục lọi các trang mạng xã hội của sinh viên trường, lọ mọ hỏi han các anh khóa trước và chuẩn bị hành trang đầy đủ từ sớm. “Em hy vọng sẽ có một tháng học quân sự đáng nhớ và nhiều kỷ niệm y như các anh chị khóa trên”, Vân tâm sự.

Các tập thể và cá nhân sinh viên được khen thưởng tại lễ Bế mạc khóa học Giáo dục quốc phòng và an ninh khóa 25 tại Hòa Lạc (Ảnh: TT GDQP&AN)

Ấn tượng đầu tiên khi đến Hòa Lạc là cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội to đẹp, là thầy giáo phụ trách vui tính, thân thiện. “Điều em thích nhất ở đây là các thầy rất tâm lý, luôn lắng nghe, giải đáp tâm tư tình cảm và những khó khăn của sinh viên”, Phạm Đào Đức Anh, K62 Công nghệ sinh học chất lượng cao chia sẻ.

Căn phòng ở “Hola” (Ảnh: Hồng Vân)

Sau khi nhận phòng, mỗi người được phát quân tư trang gồm 2 bộ quần áo, 1 mũ, 1 ghế, 1 bát và 1 đôi đũa để ăn cơm. Vân kể: “Đến giờ ăn, chúng em luôn nhớ cầm theo bát đũa và xếp hàng điểm danh. Khi nào đủ quân số thì cả đại đội mới được đi ăn. Một số buổi trưa nắng nóng tột cùng mà có ai muộn thì thật kinh khủng!”. Nhờ đó, mỗi bạn sinh viên được rèn luyện tác phong và ý thức đúng giờ vì bản thân có thể ảnh hưởng đến cả tập thể.

Bữa cơm ở Hola” (Ảnh: HUS Media)

Bữa cơm tối đầu tiên, Hồng Vân cùng một số bạn nhận nhiệm vụ phụ bếp, như nạo củ, gọt dưa chuột, sơ chế rau, lột vỏ trứng rồi dọn dẹp toàn bộ khu nhà ăn. “Nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng có tới hơn 1.000 quả trứng, lượng rau củ cũng “khủng” tương tự. Thật sự rất mệt, ai nấy đều đẫm mồ hôi!”, em nhớ lại. Công việc này được phân công lần lượt, mỗi người chỉ làm một lần trong chuỗi ngày ở Hòa Lạc. Trải nghiệm duy nhất đó đã kịp trở thành dấu ấn khó phai đối với mỗi bạn sinh viên, để biết trân trọng hơn những bữa cơm do người khác làm ra và sự chăm sóc thường ngày của cha mẹ.

Thể thao ở “Hola” (Ảnh: HUS Media)

Buổi sáng đầu tiên ở Hòa Lạc thực sự là “ác mộng” của nhiều sinh viên, khởi đầu tuần học tập đầu tiên khó khăn, buộc các em phải thay đổi để thích nghi. Đúng 5h30 báo thức, ai nấy mắt nhắm mắt mở giục nhau dậy. Những ngày sau, do phòng đông, có tới 11 người nên các sinh viên phải dậy trước giờ quy định để thay nhau vệ sinh cá nhân. Đức Anh cho biết: “Sau vài ngày quen với nếp sinh hoạt, em rất vui vì đây là cơ hội hiếm hoi được học tập, sinh hoạt cùng với tất cả các bạn”.

Văn nghệ ở Hola” (Ảnh: HUS Media và TT GDQP&AN)

Không chỉ ăn, ngủ, mọi hoạt động trong khóa học đều tuân theo giờ giấc chuẩn. Hàng nghìn sinh viên dần sinh hoạt nề nếp, lành mạnh, thay vì thói quen thức khuya, dậy muộn, thất thường như trước đây.

Sinh viên ở “Hola” (Ảnh: Hồng Ngọc)

Mỗi phòng có 11 thành viên, lần đầu tiên sống chung với nhau trong môi trường hoàn toàn mới, đầy lạ lẫm. Thế nhưng, chỉ sau những lần chung tiền mua đồ ăn vặt, chia sẻ thức uống đồ ăn mang theo hay cùng “quậy” mà mối quan hệ giữa các em trở nên tốt đẹp hơn rồi gắn bó từ bao giờ.

Radio Hòa Lạc luôn sẵn sàng tiếp nhận những món quà, gửi gắm của sinh viên dành cho nhau

Đại đội 7 của Hồng Vân còn có những ngày tháng khó quên với vườn mít của Trung tâm và công việc làm cỏ từ sáng sớm mỗi ngày. Những cô cậu sinh viên quen cầm bút, gõ máy tính, nay phải làm quen với cuốc, xẻng, phải đổ mồ hôi với công việc chân tay đầy... thách thức. Các đại đội còn lại cũng được phân công các công việc khác nhau.

TT GDQP&AN tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên khóa 25 (Ảnh: TT GDQP&AN)

Ngoài giờ lao động, Vân cho rằng việc học khá ... nhàn, đều đặn và quy củ. Đạt 30 điểm bắn súng, Đức Anh rất hào hứng và nhận định, kiến thức được học khá rộng và đề thi bám sát chương trình học.

Sinh viên tập trung trước giờ ăn cơm

Không chỉ Hồng Vân, Hòa Lạc dần trở thành môi trường thân quen với hơn 1.000 sinh viên Trường ĐHKHTN. Nếu như những ngày đầu, nhiều em đếm từng ngày để về, có em nhớ nhà đến nỗi không dám gọi điện về, sợ nghe thấy giọng mẹ lại bật khóc thì ngày chia tay, có em không nén được cảm xúc vì chưa xa đã nhớ “Hola”.

Đà điểu ở “Hola” - một trong những “nhân vật” thân quen và đáng nhớ với sinh viên (Ảnh: Sinh viên)

“Trực ban trung tâm xin thông báo: “Đã đến giờ tạm biệt! Yêu cầu tất cả sinh viên các đại đội nói lời tạm biệt với các thầy, các bạn, nhanh chóng xách vali, đồ đạc cơ động xuống sân tập trung, chuẩn bị lên xe trở về trường!”. Khi hệ thống loa vang lên cũng là lúc hàng nghìn con tim chùng lại. Câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên như để dành cho khoảnh khắc đó: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Khóa học ở Hòa Lạc khép lại, mở ra hành trình mới cho hàng nghìn sinh viên chuẩn bị bước vào năm học thứ hai tại Trường ĐHKHTN.

Khoảnh khắc chia tay Hola” (Ảnh: Hồng Vân)

Đánh giá về sinh viên Trường ĐHKHTN, thầy Trần Ngọc Sang - Bí thư Đoàn thanh niên, Phó trưởng phòng Đào tạo, trực tiếp quản lý sinh viên cho biết: “Các em thông minh, năng động, sức khỏe tốt hơn sinh viên các trường khác trong ĐHQGHN”. Được biết, Trung tâm luôn chú trọng công tác huấn luyện, quản lý giáo dục, hướng dẫn sinh viên sâu sát. Bên cạnh đó, các sĩ quan, thầy giáo luôn quan tâm đến tình hình sức khỏe, tâm lý của các em, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, kênh phát thanh Radio Hòa Lạc kết nối sinh viên. Đặc biệt, các em đã được cổ vũ trọn vẹn trận chung kết World Cup 2018 ngay tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và đắm mình trong đêm nhạc “Hừng Đông” bất chấp trời đổ mưa.

Con đường và khoảng trời ở “Hola” (Ảnh: Hồng Vân, Hồng Ngọc)

Trong suốt khóa học, cô Bùi Thị Toan, mẹ của Hồng Vân luôn động viên con: “Những vất vả, kỉ luật trong kì học sẽ giúp con chững chạc hơn”. Còn chú Phạm Văn Bằng, bố của sinh viên Phạm Thị Hồng Ngọc, K62 Công nghệ sinh học chất lượng cao lại hóm hỉnh khi nghe con gái kể về khóa học: “Con cần học thêm mấy tháng quân sự nữa. Các hoạt động và kỉ luật như vậy sẽ khiến con chăm chỉ hơn”. Đó cũng là tâm tư của nhiều phụ huynh, luôn yêu thương và mong con trưởng thành.

Trở về từ Hòa Lạc, không chỉ chững chạc hơn, sinh viên K62 Trường ĐHKHTN còn kịp gói gém cho mình rất nhiều kỉ niệm trên hành trình thanh xuân rực rỡ, mang tên “Hola”.

Khóa học Giáo dục quốc phòng và an ninh khóa 25 tại Hòa Lạc có 2.126 sinh viên thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Khoa Luật, ĐHQGHN và Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam học tập tập trung. Đa số sinh viên khóa 25 có nhiều cố gắng trong học tập và rèn luyện, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mục tiêu khóa học. Trung tâm công nhận kết quả của toàn bộ 2126 sinh viên đã hoàn thành chương trình khóa học và được cấp chứng chỉ GDQPAN, trong đó, xếp loại xuất sắc: 28 sinh viên = 1,32%; giỏi: 189 sinh viên = 8,89%; khá: 632 sinh viên = 29,73%; trung bình: 1274 sinh viên = 59,92%; không đạt yêu cầu: 0=0%.

“Yêu” khoa học, “cưới” Ngoại thương

Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước được trở thành một nhà khoa học. Ước mơ này nhen nhóm từ sách - cánh cửa đầu tiên đưa tôi đến với những nhà khoa học nổi tiếng. Tôi đắm mình ngưỡng mộ tài năng và cống hiến của họ. Tôi nỗ lực học tập, nuôi dưỡng giấc mơ trở thành nhà khoa học và háo hức tin rằng phía trước thật rộng mở.

Cuối phổ thông, tôi bị mắc kẹt giữa say mê đó với định kiến xã hội, với áp lực “cơm áo gạo tiền”. Tôi tạm gác những “bồng bột của tuổi trẻ”, thi vào Đại học Ngoại thương theo đúng nguyện vọng của gia đình.

Năm học đầu tiên ở ngôi trường này là một chuỗi dài căng thẳng gần như đến trầm cảm đối với tôi. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, liệu mình có thể yêu thích cái mình đang học không hay nên từ bỏ và quay về cái mình muốn? Một bên là sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình, một bên là niềm đam mê của bản thân.

Người ta vẫn nói, giai đoạn khủng hoảng của độ tuổi 20 là lúc chúng ta luôn băn khoăn, kiếm tìm câu trả lời: “Mình là ai, mình muốn gì và mình muốn trở thành người thế nào?”. Ngoại thương là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ, là bệ phóng của vô số tài năng. Đáng tiếc, môi trường quá năng động, quá ồn ào và hiện đại như vậy lại không hợp với tính cách tĩnh lặng, ghét nơi đông người như tôi.

Tôi quyết định cho bản thân thời gian để thử thích nghi cũng như để tìm hiểu chính mình. Tôi lấy lại được thăng bằng, trăn trở ít đi, điềm tĩnh hơn và học cách suy xét thấu đáo mọi thứ.

Năm thứ 3 Đại học Ngoại thương, tôi quyết định thi lại vào Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-HUS). Đó là lúc tôi chắc chắn đam mê của mình đã đủ lớn và sẵn sàng đối mặt với bất cứ khó khăn nào.

Trở ngại ập đến rất nhanh, cho dù tôi đã có sự chuẩn bị. Sự phản đối của gia đình, 4 năm đằng đẵng tiếp tục ăn bám xã hội trong khi bạn đồng trang lứa đã có chỗ đứng nhất định,...

Đó chính là một cảm giác bị bỏ lại phía sau. Rất xa!

Nhiệm vụ duy nhất là “THỰC HIỆN CON ĐƯỜNG MÌNH ĐÃ CHỌN”

Nguyễn Thị Thu nhận Bằng khen của ĐHQGHN

 

Nhiệm vụ duy nhất

Trái ngược với quãng thời gian luẩn quẩn trước đây, tôi đã có 4 năm “đáng sống” với “nhiệm vụ duy nhất”: theo đuổi đam mê dành cho Toán - Tin.

Con đường khoa học chưa bao giờ dễ dàng. “Đã từng nghĩ đến bỏ cuộc chưa?”, có người hỏi tôi như vậy. Chắc chắn có, nhưng chỉ thoảng qua vài ngày đầu khi tôi còn chút mặc cảm về “tuổi tác” và sự phản đối từ gia đình. Lúc đó, tôi dành toàn bộ tâm trí cho lý do thôi thúc tôi bắt đầu cuộc hành trình này. Tôi chỉ nghĩ đến những điều thật sự muốn làm và mang lại hạnh phúc nho nhỏ cho bản thân như người ta vẫn nói “mình thích thì mình làm thôi”.

Ngày ngày trong suốt hơn 3 năm học VNU-HUS, tôi được chứng kiến thầy cô tận tụy nghiên cứu, giảng dạy, nhất là những người dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học. Nể phục họ bao nhiêu, tôi càng được truyền cảm hứng bấy nhiêu.

Tôi nhớ hình ảnh thầy Đặng Anh Tuấn dạy Giải tích luôn đến sớm trước cả giờ dạy, cặm cụi viết rồi giảng hết lượt bảng này đến lượt bảng khác. Về nhà, thầy lại viết blog chia sẻ kiến thức và trả lời rất nhanh mọi thắc mắc của sinh viên. Khoa còn có thầy Đặng Đình Châu, thầy Nguyễn Hữu Điển, thầy Nguyễn Đức Đạt,... không chỉ dạy tôi kiến thức chuyên ngành mà còn chia sẻ những bài học cuộc sống, những vần thơ hay. Nhờ đó, tôi nhận ra Toán học và các thầy không khô khan như những gì người ta thường nói về Toán và người dạy Toán. Ngược lại, Toán rất đẹp và tâm hồn người làm Toán cũng rất bay bổng và lãng mạn.

Với bộ môn Tin học, các thầy cô luôn quan tâm đến nguyện vọng của sinh viên và tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi được tham gia nghiên cứu khoa học cũng như thực tập tại các doanh nghiệp từ rất sớm.

Tôi may mắn được cô Nguyễn Thị Minh Huyền hướng dẫn và làm quen với một số đề tài về xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đến khi đó tôi mới thực sự thấy và hiểu được mối liên hệ giữa Toán và Tin học, khi những mô hình Toán học kết hợp với lập trình để giải quyết vấn đề. Gần đây, sau khi tham gia chương trình trao đổi tại Trường Đại học POSTECH (Hàn Quốc), tôi càng thấm thía giá trị và lựa chọn vào Khoa Toán - Cơ - Tin học là đúng đắn. Những kiến thức nền tảng Toán tốt đã, đang và sẽ đem lại ưu thế và sự tự tin rất lớn khi chúng tôi học những kiến thức mới và nâng cao hơn.

Dù tự lựa chọn lùi lại phía sau rất xa và bước chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng tôi được học và làm những thứ mình thích. Tôi không thấy hối tiếc khi đánh đổi một phần tuổi trẻ để hiểu bản thân hơn và giành được thế chủ động trong cuộc sống của chính mình.

Còn bạn? Nếu bạn chưa biết đam mê của mình là gì, hãy dành thời gian tìm nó; nếu bạn đã biết đam mê của mình thì hãy dành thời gian thực hiện nó và đảm bảo một sự chuẩn bị thật tốt cho chuyến hành trình này.

Như Paulo Coelho viết trong Nhà giả kim: “Nhiệm vụ duy nhất của mỗi chúng ta là thực hiện con đường mình đã chọn. Tất cả chỉ là một. Rồi khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy”.

Trên đây là chia sẻ của tân cử nhân Nguyễn Thị Thu, tốt nghiệp xuất sắc ngành Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa Toán - Cơ - Tin học của VNU-HUS. Thu sinh năm 1993 tại Hà Nội.

Trước đây, khi đang là sinh viên năm thứ 2, cô đã hoàn thành 4 năm học tập ở Đại học Ngoại thương Hà Nội với tấm bằng xuất sắc. Sau đó 1 năm, Nguyễn Thu trở thành nhân viên phát triển phần mềm chính thức của FPT. Cô vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu, hoàn thành khóa học 2014-2018 với số điểm 3.78.

Tháng 01/2018, Nguyễn Thị Thu đạt học bổng Global Korea (GKS) của ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang, Hàn Quốc (POSTECH). Tổng trị giá học bổng và chi phí do ĐH POSTECH đài thọ gần 9.000 USD. POSTECH là một trong những đại học về công nghệ hàng đầu Hàn Quốc, thuộc Top 100 đại học tốt nhất thế giới.

 

Bằng việc phân nhóm khách hàng, các sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học đã dự báo mức chi tiêu trong tháng tiếp theo của tất cả các tài khoản. Nhóm sử dụng phương pháp dự báo trên cây phân cấp và những khoảng cách giữa các chuỗi thời gian là lịch sử giao dịch của khách hàng (chuỗi rút và chuỗi gửi) theo tháng.

Bài toán dự báo chi tiêu dựa trên nhu cầu thực tế của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong dự báo lượng tiền gửi ròng (ổn định với thời gian) của các khách hàng cá nhân. Dự báo này giúp cho ngân hàng đưa ra được những chính sách quản trị rủi ro tốt hơn, tối đa hóa lợi nhuận trên tiền gửi của khách hàng.

Đề tài đạt Giải Nhất Hội thi Khoa học toàn quốc “Olympic Kinh Tế lượng và ứng dụng” lần 3

Hầu hết các khoản tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm không kì hạn là những hạn mức không có kì hạn, tuy nhiên có những lượng tiền lại rất ổn định với thời gian, đóng góp một phần lớn trong lượng tiền gửi ròng của ngân hàng. Ở Việt Nam, các ngân hàng rất quan tâm đến vấn đề này tuy nhiên các phương pháp áp dụng ở một số ngân hàng lại khá đơn giản và chưa phản ánh hết được hành vi của khách hàng.

Đề tài “Dự báo chi tiêu theo mức thu nhập dựa trên lịch sử giao dịch của các tài khoản tiết kiệm không kì hạn trong ngân hàng” đạt giải Nhất Hội thi Khoa học toàn quốc “Olympic Kinh Tế lượng và ứng dụng” lần 3. Phóng viên Trung tâm CNTT&TT đã có cuộc trò chuyện với nhóm tác giả - sinh viên Đỗ Quang Đạt và Trần Mỹ Đức, Khoa Toán Cơ Tin học, Trường ĐHKHTN để tìm hiểu về những phát hiện của nhóm.

Sinh viên Mỹ Đức và Quang Đạt cùng giảng viên hướng dẫn Trịnh Quốc Anh

PV: Các bạn vui lòng mô tả đặc điểm chính của đề tài nghiên cứu?

Nhóm tác giả: Đề tài nghiên cứu “Dự báo chi tiêu theo mức thu nhập” tập trung vào 2 vấn đề chính. Một là phân nhóm các tài khoản có cùng mức thu nhập (số tiền gửi vào) dựa trên lịch sử chi tiêu (số tiền rút ra), và hai là dự báo tổng mức chi tiêu của các tài khoản đó trong các tháng tiếp theo.

Từ các dự báo về mức chi tiêu của các tài khoản qua những mốc thời gian, ngân hàng sẽ có các chính sách đầu tư tối ưu hóa lợi nhận dựa trên nguồn huy động được từ khách hàng mà vẫn đảm bảo sự phù hợp.

PV: Tại sao lại cần nghiên cứu bài toán đó?

Nhóm tác giả: Rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất là một bài toán rất thực tế, được đặt ra từ hoạt động quản trị rủi ro trong các NHTM tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài nhằm tìm ra một cách tiếp cận mới và minh chứng sự hiệu quả là động lực rất lớn đối với nhóm tác giả. Cách tiếp cận của đề tài này khác so với các đề tài khác khi phân nhóm các tài khoản theo lịch sử giao dịch (hoạt động gửi, rút, thanh toán bằng thẻ) chứ không dựa trên các thông tin (nghề nghiệp, mức lương,…) của khách hàng.

Trước đây các bài toán phân nhóm khách hàng trong ngân hàng thường sử dụng các loại thông tin của khách hàng để phân nhóm khách hàng, điều này phần nào đó làm mất tính khách quan trong việc phân nhóm. Hơn nữa, thông tin của khách hàng trong ngân hàng có rất nhiều dạng, việc lựa chọn thông tin nào, bao nhiêu thông tin là đủ, khách hàng bị thiếu thông tin thì làm như thế nào,… ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của phân nhóm và dự báo.

PV: Đặc điểm của các tài khoản tiết kiệm không kì hạn trong nghiên cứu là gì? Tại sao các tài khoản này lại ảnh hưởng đến rủi ro của ngân hàng?

Nhóm tác giả: Các tài khoản tiết kiệm không kì hạn trong các ngân hàng là một loại tài sản nợ. Đối với mỗi NHTM, việc quản trị tài sản - nợ (ALM) là hoạt động quan trọng, đặc trưng nhằm góp phần đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh doanh. Đó là quá trình đưa ra tập hợp các quyết định về sự cân xứng và bất cân xứng giữa tài sản - nợ, đặc biệt là về kì hạn và đặc điểm định giá lại. Nhiệm vụ của ALM là đảm bảo khả năng thanh khoản đồng thời tối ưu lợi nhuận từ nguồn tài sản nợ (vốn, tiền gửi của khách hàng), tài sản có (cho vay, đầu tư,…).

Hệ thống lý thuyết và kinh nghiệm phát triển về ALM đã xuất hiện tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển từ khá lâu. Hiện nay, ALM đã là hoạt động tất yếu, quan trọng và thường xuyên của các NHTM. Các tổ chức tài chính quốc tế về lĩnh vực ngân hàng (như BIS) hoặc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm về NHTM (như S&P, Moody’s hay Fitch,…) đều cho rằng khả năng và hiệu quả là nội dung trọng yếu trong việc đánh giá hoặc khuyến cáo về quản trị của NHTM.

Khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho việc không thể xem nhẹ ALM trong kinh doanh của NHTM. Tính đến ngày 28/7/2010, tại Mỹ có 114 NHTM tuyên bố phá sản theo luật thì tất cả các NHTM đó đều bị đánh giá do khả năng ALM hạn chế.

Trần Mỹ Đức tốt nghiệp xếp hạng Giỏi năm 2018

PVNhóm đã dùng phương pháp nào để giải quyết bài toán này?

Nhóm tác giả: Phương pháp phân nhóm được sử dụng là phương pháp Hierarchical - phương pháp phân nhóm một cách đệ qui theo hai kiểu bottom-up hoặc top-down. Do đó, phương pháp này được chia thành hai nhóm nhỏ hơn là: Agglomerative hierarchical (bottom-up) và Divisive hierarchical (top-down).

Chúng tôi đánh giá phân nhóm thông qua phương pháp Silhouette. Còn phần dự báo, nhóm sử dụng phương pháp Hierarchical forecasting.

Nhóm sử dụng phần mềm thống kê và tin học R - một ngôn ngữ lập trình và môi trường phần mềm dành cho tính toán, phân tích dữ liệu và đồ họa thống kê.

PVNhững khó khăn, thách thức mà nhóm đã gặp phải?

Nhóm tác giả: Khó khăn đầu tiên là dữ liệu thực nghiệm, rất may chúng tôi đã được cung cấp một bộ dữ liệu giả định dưới sự trợ giúp của Công ty phần mềm giải pháp tài chính FSS. Bộ dữ liệu này đảm bảo tính “tự nhiên” của lịch sử các tài khoản giả định.

Khó khăn tiếp theo là sự thất bại trong những lần thử nghiệm đầu tiên làm cho chúng tôi thực sự hoang mang về tính khả thi của phương pháp mình áp dụng. Dưới sự hướng dẫn và động viên rất tận tình của giảng viên hướng dẫn, các chuyên gia phía doanh nghiệp, dần dà, nhóm đã đạt được một số kết quả khả quan hơn.

Đỗ Quang Đạt Đạt (ngoài cùng bên phải) - một thành viên của đội đạt giải Nhì Cuộc đua số do FPT tổ chức

PV: Những kết quả và thành tích khả quan đó là gì? Ngoài ra, các bạn và cộng sự còn thu nạp được những gì trong quá trình nghiên cứu của mình?

Nhóm tác giả: Đề tài tập trung nhận diện hành vi chi tiêu theo mức thu nhập của sản phẩm tiền gửi ở ngân hàng, từ đó dự báo chi tiêu theo mức thu nhập dựa trên lịch sử giao dịch của các tài khoản tiết kiệm không kì hạn. Qua đó, cung cấp kết quả cho việc xác định số dư tiền gửi lõi (core-balance).

Các dự báo này có những giá trị sau: giúp ngân hàng có khả năng sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả; hỗ trợ các hoạt động quản trị rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất. Với lượng vốn và các dự báo về tiền gửi ròng, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định giá trị trong các khe lãi suất và kì hạn, từ đó xây dựng nhiều kịch bản về rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản.

Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào phòng ngừa rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản trong ngân hàng, tối đa hóa lợi nhuận trên tiền gửi của khách hàng.

Trong thời gian nghiên cứu đề tài, nhóm đã gửi bài dự thi tham gia Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ 3 và may mắn được giải Nhất. Cách tiếp cận và giải quyết bài toán được các chuyên gia công nhận về tính mới và tính hiệu quả trong thực tế. Đây vừa là sự công nhận, vừa là lời khen mà chúng tôi nhận được.

Ngoài ra, việc thực hiện đề tài khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học giúp chúng tôi củng cố và mở rộng vốn kiến thức. Được làm việc cùng những người vừa tài năng vừa tâm huyết thực sự giúp chúng tôi thêm vững tin vào con đường đã chọn.

PVBạn có thể chia sẻ thêm về hoạch định nghiên cứu sắp tới của cả nhóm không? Cụ thể là nhóm sẽ phát triển tiếp đề tài này như thế nào?

Nhóm tác giả: (Cười) Hiện 2 thành viên trong nhóm đều vừa hoàn thiện các môn học cuối cùng và nhận bằng tốt nghiệp. Do khá bận rộn nên chúng tôi không có thời gian gặp nhau nhiều và chưa có kế hoạch nghiên cứu sắp tới. 

PVCảm ơn các bạn!

Đề tài “Dự báo chi tiêu theo mức thu nhập dựa trên lịch sử giao dịch của các tài khoản tiết kiệm không kì hạn trong ngân hàng” triển khai từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018. Tác giả: Đỗ Quang Đạt - K59 ngành Máy tính và Khoa học thông tin và Trần Mỹ Đức -  K59 Cử nhân khoa học Tài năng ngành Toán học. Người hướng dẫn: TS. Trịnh Quốc Anh (Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN); Cộng sự: FSS R&D.

 

Nữ tân cử nhân xếp hạng giỏi của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) có cái tên thật đặc biệt Vũ Thị Mựng. Em sở hữu nụ cười tỏa nắng cùng thành tích học tập đáng nể, hoàn thành toàn bộ chương trình đại học trong 3,5 năm với điểm trung bình môn 3.56 / 4.0.

Đam mê “giải mã” khoa học

Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, đối với bố mẹ Mựng, hai từ “khoa học” là một thứ gì đó khá xa vời. Trong khi đó, cô con gái lại say sưa với các môn học tự nhiên và những thí nghiệm khi còn là học sinh cấp 3. Em nuôi lớn tình yêu khoa học qua lời kể của người chị thân thiết là cựu sinh viên ĐHKHTN. Cái duyên với nghiên cứu khoa học và với Trường ĐHKHTN khởi nguồn từ đó.

Sau khi vào trường, Mựng “vỡ mộng” khi tiếp xúc, làm quen và “sống” trong một môi trường nghiên cứu khoa học thực sự. Nghiên cứu khoa học không hề dễ dàng, lung linh, “màu hồng” như em từng hình dung. Đã có những lúc Mựng lung lay ý chí vì càng học, em càng nhận ra mình còn trống rất nhiều kiến thức. Khi vấp phải trở ngại, người ta thường nghĩ đến lí do bắt đầu để đi tiếp. Mựng cũng vậy. “Cảm giác giải mã” được khoa học là niềm cổ vũ, chất xúc tác cho em có động lực mạnh mẽ hơn để theo đuổi việc học tập và nghiên cứu khoa học”, em chia sẻ.

Hai đề tài nghiên cứu khoa học Mựng đã thực hiện là “Đánh giá hiện trạng quản lý chất thải rắn tại các tiệm làm tóc trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội”, được thực hiện năm 2016 và “Đánh giá chất lượng nước của Hồ nước xanh tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” thực hiện trong năm 2017. Sau khi hoàn thành 2 nghiên cứu khoa học từ năm hai đại học, Mựng cần cù tích luỹ kinh nghiệm rồi mạnh dạn bắt tay vào làm khoá luận từ học kỳ hai năm ba.

Nỗ lực học tập để bước ra thế giới và góp phần giải quyết vấn đề môi trường ở Việt Nam

Ngay sau khi vào trường, Mựng đã khao khát được tham gia trao đổi sinh viên quốc tế như các anh chị khoá trước. Vì vậy, em đã quyết tâm tăng tốc học tiếng Anh để ôn thi IELTS trong năm 2017. Theo quan điểm của Mựng, việc quan trọng nhất khi học ngoại ngữ đó là động lực và niềm tin mình sẽ làm được. Việc đạt được một trình độ tiếng Anh nhất định đã giúp Mựng biến ước mơ thành hiện thực. Em có cơ hội tham gia trao đổi sinh viên tại Nhật Bản, được nhận vào vị trí quản lý giảng dạy tại một Trung tâm đào tạo tiếng Anh khi vừa tốt nghiệp và đăng ký thành công học bổng đào tạo Thạc sĩ ngay từ kì II năm cuối.

Mựng (ngồi ngoài cùng bên phải) thăm quan nhà máy xử lý nước tại Eco Town Kitakyushu

Chuyến đi Nhật như một cánh cửa mở ra thế giới với em vậy”, Mựng nhớ lại. Em đặc biệt ấn tượng về tiết học nghiên cứu thực tiễn bổ ích cùng phòng lab hiện đại, chuyến đi tham quan công nghệ xử lý rác thải và ý thức bảo vệ môi trường của người Nhật. Em chia sẻ: Sau chuyến đi đó, em thấy mình cần cố gắng hơn nữa để góp phần giải quyết các vấn đề môi trường của Việt Nam”.

Bên cạnh đó,việc hoàn thành khóa học sớm giúp em có cơ hội thử sức với công việc sớm hơn, cũng như có thời gian tiếp tục trau dồi tiếng Anh và tìm cơ hội học bổng sau đại học” Mựng chia sẻ.

Chương trình đào tạo bài bản và môi trường học tập, thi cử nghiêm túc của Trường ĐHKHTN đòi hỏi đa số sinh viên phải không ngừng nỗ lực trong suốt 4 năm học. Để sớm hoàn tất khoá luận rồi trở thành một trong số ít các sinh viên hoàn thành khóa học trước thời hạn nửa năm, Mựng đã dồn toàn bộ tâm sức và cố gắng hết mình trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu.

Đặc biệt, trong thời gian nghiên cứu đề tài làm khoá luận, em đã gặp nhiều thử thách cùng lúc khi vừa phải hoàn thành các bài tiểu luận cũng như học ôn IELTS.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân, Mựng cho rằng bản thân rất may mắn khi được dẫn dắt bởi các giảng viên giỏi và hết lòng giúp đỡ sinh viên. Các thầy cô là những người đã luôn say mê truyền lửa kiến thức và phương pháp để các bạn sinh viên có thể hoàn thành tốt khóa học. “Em thực sự rất biết ơn các thầy cô trong trường nói chung và các thầy cô Khoa Môi trường nói riêng, đặc biệt là TSĐỗ Hữu Tuấn - người thầy đáng kính đã trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu khoa học, khóa luận, cũng là người thầy đã dìu dắt em trong những hoạt động Đoàn – Hội từ năm nhất”, Mựng chia sẻ. Bên cạnh đó, em còn nhận được sự động viên, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong học tập và cuộc sống của các bạn cùng lớp K59 Khoa học môi trường chương trình đào tạo chất lượng cao.

Một thời để nhớ

Như đa số bạn học, Mựng có “của để dành” quý giá là đời sinh viên đầy ắp kỷ niệm, để sau này lần giở lại sẽ thêm trân quý tuổi thanh xuân. Mựng kể: “Em đã cùng nhóm 10 người bạn thân sống chung kí túc xá trải qua những tháng năm  tươi đẹp. Thật khó quên những tối đầy ắp tiếng cười ở Mễ Trì, cả nhóm “buôn” bao chuyện từ học tập, gia đình, tình yêu hay cuộc sống”.

Có lẽ, ai có dịp tiếp xúc đều có nhiều ấn tượng khó quên với em, từ cái tên đặc biệt, vừa lạ vừa khó đọc nên hay bị nhầm cho đến hình ảnh một nữ sinh viên xinh đẹp, năng động và đầy nhiệt huyết.

Mựng tâm niệm“Làm việc chăm chỉ, chơi hết mình” nên không chỉ học giỏi, tích cực nghiên cứu khoa học, em còn là hạt nhân trong các hoạt động Đoàn - Hội của Trường. “Nắng hè oi ả, có ngày đi mấy ki lô mét đường đèo đến trường học bản xa, đến các gia đình nghèo, da đen thùi lui, chân tay “nở hoa” vì lạ nước nhưng lòng không khỏi tự hào, vì cũng như 30 thành viên khác, mình đã góp một phần nhỏ bé thay đổi vùng quê nghèo đó”. Đó là một lát cắt đáng nhớ trong chuyến tình nguyện xa tại Na Hang, Tuyên Quang mà em có cơ hội tham gia cùng.

Mỗi mùa tình nguyện trôi qua, thì một mùa tình bạn lại bắt đầu. Với Mựng, phần thưởng có được khi tham gia hoạt động Đoàn Hội không chỉ là trau dồi các kĩ năng, mà lớn hơn đó là có thêm những người thầy, người bạn, người anh chị cực kì thân thiết, giúp đỡ em rất nhiều trong học tập, công việc và cuộc sống.

Để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học của mình, tháng 8 tới, Mựng sẽ sang Hàn Quốc học sau đại học với hướng nghiên cứu về Microbial fuel cell (MFC - công nghệ sản xuất điện từ quá trình vi khuẩn oxi hóa các cơ chất). Mặc dù MFC xuất hiện từ những năm 1911, song gần đây mới gây được nhiều chú ý. Không chỉ là nguồn năng lượng sạch đang được nghiên cứu phát triển, MFC còn có rất nhiều ứng dụng khác như: ứng dụng trong xử lý nước thải, sản xuất hydro sinh học, ứng dụng cảm biến sinh học kiểm soát chất ô nhiễm. Mựng cho rằng những nghiên cứu khoa học trước đây em thực hiện rất nhỏ bé, chưa thực sự mang tính học thuật cao. Em mong muốn hướng nghiên cứu này sẽ giúp em hoàn thành tốt chương trình Thạc sĩ và tiếp tục xin học bổng làm nghiên cứu sinh trong tương lai.

“Em tin rằng, dù ở bất kì ngành nghề nào, nếu thực sự có nỗ lực, cố gắng và quyết tâm thì sẽ có thành công”Mựng tâm niệm.

Chúc em Vũ Thị Mựng luôn đầy nhiệt huyết với đam mê theo đuổi nghiên cứu khoa học, nỗ lực không ngừng để chinh phục những đỉnh cao khoa học mới trong lai.

Vũ Thị Mựng sinh năm 1995 tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Em tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường CTĐT chất lượng cao với điểm khóa luận: 9.6 / 10, điểm trung bình học tập: 3.56 / 4.0. Em là Ủy viên BCH Hội sinh viên trường khóa VI, Liên chi hội trưởng Liên chi hội Khoa Môi trường nhiệm kì 2015- 2017, đã gặt hái nhiều thành tích trong khoá học: 

+ Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố năm 2015

+ Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia các năm 2015; 2017

+ Giấy khen “Có thành tích xuất sắc trong phong trào Hội Sinh viên” của Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội năm 2016

+  Giải nhất nghiên cứu khoa học của Vietnam’s Summer School of Science 2017

+ Thành viên chương trình Sakura Exchange Program in Science, Nhật Bản, 2018

+ Học bổng khuyến khích học tập của trường trong 5 kì học.

+ Học bổng Đồng Hành khóa 26, 27, 28

+ Học bổng Dương Quảng Hàm năm học 2016-2017.

 

Năm 2018, 6 chàng trai đoàn Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) đều đoạt huy chương, gồm 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 02 Huy chương Đồng. Đặc biệt, 4 em trong số 6 học sinh này sẽ là 4 tân sinh viên của Trường ĐHKHTN năm học 2018-2019.

Các em đã đăng kí xét tuyển thẳng và vừa nhận kết quả trúng tuyển ngành Toán học của Trường. Đó là: Nguyễn Quang Bin, Trương Mạnh Tuấn (THPT Chuyên KHTN); Trần Việt Hoàng, Trịnh Văn Hoàn (THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng).

Em Nguyễn Quang Bin, Huy chương Vàng IMO trúng tuyển ngành Toán học Trường ĐHKHTN

Chia sẻ về thành tích IMO và lựa chọn đại học, Nguyễn Quang Bin, Huy chương Vàng IMO năm 2018 nói: “Em cảm thấy rất vui khi nhận kết quả và khi trở về Việt Nam được gia đình, thầy cô và các bạn đón mừng như vậy. Em mong muốn tiếp tục theo học ngành Toán học, Trường ĐHKHTN vì Toán là sở thích, đồng thời là thế mạnh của em”.

Em Trương Mạnh Tuấn, Huy chương Đồng IMO trúng tuyển ngành Toán học Trường ĐHKHTN

Cùng nguyện vọng như Nguyễn Quang Bin, em Trương Mạnh Tuấn bày tỏ: “Em thích học Toán vì lĩnh vực này rất hay. Em hy vọng tiếp tục nghiên cứu sâu hơn khi theo học chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng ngành Toán học của Trường ĐHKHTN, nơi đây có rất nhiều thầy giỏi!”.

Ngày 18/7/2018, Trường ĐHKHTN đã công bố kết quả xét tuyển thẳng vào đại học chính quy năm 2018. Nhà trường đã xét tuyển thẳng 171 thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế, tốt nghiệp THPT năm 2018; 44 thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên tốt nghiệp THPT năm 2018; 02 thí sinh có kết quả SAT đạt tốt thiểu 1100/1600.

Vui mừng nhận thông báo trúng tuyển vào ngành Sinh học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), em Tăng Đình Đức, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An 2018, giải Nhì học sinh giỏi quốc gia, chia sẻ: “Em yêu thích nghiên cứu chuyên sâu và đã tự định hướng tương lai của mình”. Đức cho biết thêm, đây là nguyện vọng xét tuyển thẳng duy nhất của em vì Sinh học là ngành đam mê và Trường ĐHKHTN là ngôi trường mơ ước của em.

Ngày 18/7/2018, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố kết quả xét tuyển thẳng vào đại học chính quy năm 2018. Theo đó, 217 học sinh đã trúng tuyển các ngành/ chương trình đào tạo của Nhà trường.

Là một trong 217 học sinh vui mừng nhận thông báo trúng tuyển thẳng và xét tuyển, em Tăng Đình Đức chia sẻ: “Em yêu thích nghiên cứu chuyên sâu và đã tự định hướng con đường của mình”. Hiện em đã chuẩn bị giấy tờ để gửi xác nhận nhập học.

Tăng Đình Đức (ngồi giữa) cùng bạn học chụp ảnh kỉ yếu  tốt nghiệp THPT Chuyên Phan Bội Châu

Tăng Đình Đức sinh năm 2000, là học sinh chuyên Sinh học, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Em trúng tuyển thẳng ngành Sinh học, Trường ĐHKHTN với thành tích giải Nhì kì thi Học sinh giỏi quốc gia. Đình Đức cho biết: “Em lựa chọn ngành Sinh học vì đam mê. Em rất thích tìm hiểu về sự sống, tạo hóa và quy luật của nó”.

“Em rất ngưỡng mộ các thầy dạy Sinh học ở Trường ĐHKHTN, đặc biệt là thầy Nguyễn Quang Huy và thầy Đinh Đoàn Long. Em đã từng được học các thầy một vài buổi khi ôn đội tuyển học sinh giỏi”, Đức cho hay.

Đặc biệt, ở độ tuổi 18, Tăng Đình Đức tự tin định hướng khá rõ ràng về sự nghiệp trong tương lai thông qua tự tìm hiểu và đánh giá của bản thân.

Tân sinh viên Trường ĐHKHTN nhận định, Sinh học và ứng dụng của Sinh học là 1 trong 4 ngành rất phát triển khi Việt Nam bước vào thời đại 4.0. Đình Đức phân tích thị trường nhân lực và cho rằng nhân lực lĩnh vực này còn ít, trình độ chuyên môn chưa cao, đa số đều có tư tưởng làm công ăn lương ổn định thay vì yêu thích theo đuổi nghiệp nghiên cứu với nhiều rủi ro.

Theo tìm hiểu của Đức, về thị trường việc làm, Sinh học và các ngành ứng dụng liên quan rất phát triển và có chỗ đứng riêng ở các nước phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 Trung tâm công nghệ sinh học tại 3 miền Bắc-Trung-Nam, Đề án đến năm 2025 sẽ quy hoạch và đầu tư các phòng nghiên cứu trên khắp cả nước. Trung tâm miền Nam được nâng cấp từ Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm miền Bắc được tách ra từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

“2025 cũng chính là năm em ra trường và đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Em tin khi đó cơ hội việc làm sẽ rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với em là mục tiêu được trải nghiệm nền khoa học của các nước tiên tiến. Vì vậy, em sẽ cố gắng đi nhiều nơi, đến nhiều nước, dù cho công việc ở những nơi đó là làm phụ giúp rửa ống nghiệm, em cũng vui”, chàng trai trẻ tuổi tâm sự.

217 học sinh vừa trúng tuyển thẳng và xét tuyển vào Trường ĐHKHTN bao gồm 171 thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế, tốt nghiệp THPT năm 2018; 44 thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên tốt nghiệp THPT năm 2018 đủ điều kiện theo quy định và 02 thí sinh có kết quả SAT đạt tốt thiểu 1100/1600.

Thí sinh lưu ý:

1. Kiểm tra lại thông tin tại danh sách kèm theo;

2. Thí sinh xác nhận nhập học: thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận đoạt giải để xác nhận nhập học và bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 trước ngày 23/7/2018; Nộp trực tiếp tại Phòng Đào tạo hoặc qua đường bưu điện (chuyển phát nhanh) đến địa chỉ: Phòng Đào tạo, Trường ĐHKHTN, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội;

3. Sau khi thí sinh xác nhận nhập học, Trường ĐHKHTN sẽ gửi Giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển đến  nhập học qua đường bưu điện (chuyển phát nhanh) và cập nhật thông tin thí sinh vào cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

 

Mọi thông tin chi tiết, thí sinh liên hệ:

Phòng Đào tạo, Trường ĐHKHTN, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội;

Điện thoại: 024 35579076; 024 38585279; hotline: 0967867334;

Website: /data/tuyensinh ;

Email: tuvantuyensinh@hus.edu.vn;

Fanpage: fb.com/VNUHUSFanpage.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

ĐỊA CHỈ: 334 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội

Điện thoại: (84) 0243-8584615 / 8581419

Fax: (84) 0243-8523061

Email: hus@vnu.edu.vn - admin@hus.edu.vn

Cổng thông tin tuyển sinh Đại Học Quốc Gia Hà Nội: http://www.tuyensinh.vnu.edu.vn

LIÊN KẾT FACEBOOK

Bản quyền © Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN