Thành tựu và gương mặt tiêu biểu
  • Đôi bạn thân tốt nghiệp thạc sĩ với 7 công bố quốc tế
  • Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’
  • Labshare: “Uber” của các phòng thí nghiệm
  • Giải thưởng Viện Toán học năm 2017 được trao cho hai nhà khoa học là cựu sinh viên, học viên Trường ĐHKHTN
  • Nghiên cứu sinh (NCS) người Đức bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ cấp ĐHQGHN - chuyên ngành Hóa môi trường

Khác với mong muốn học để ra trường bán thuốc, Trang và Ngần bị cuốn hút bởi việc nghiên cứu, cùng tốt nghiệp xuất sắc và giành học bổng tiến sĩ ngành Hóa phân tích.

Trương Thị Thùy Trang (Hà Nội) và Vũ Thị Ngần (Hải Dương), 24 tuổi, bảo vệ luận văn thạc sĩ hồi cuối tháng 7 tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với điểm tuyệt đối.

Đồng hành từ ngày đại học, đến nay cả hai có 7 công bố trên tạp chí quốc tế ISI, trong đó 6 bài trên tạp chí Q1 - nhóm gồm những tạp chí khoa học uy tín nhất. Riêng giai đoạn học thạc sĩ, mỗi người là tác giả chính của hai bài Q1.

PGS.TS Phạm Tiến Đức, phó trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng là người hướng dẫn, cho hay hai nữ sinh bảo vệ sớm 6 tháng so với chương trình. Số công bố quốc tế cũng nhiều nhất trong các học viên cao học.

"Điều quan trọng, các công bố này đều đăng ở những tạp chí uy tín, có ảnh hưởng cao (chỉ số IF 6-8.8)", TS Đức nói.

Đôi bạn thân tốt nghiệp thạc sĩ với 7 công bố quốc tế

Trang (trái) và Ngần sau buổi bảo vệ tốt nghiệp thạc sĩ hôm 24/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày đại học, Trang theo học ngành Tiên tiến Hóa, còn Ngần học Hóa Dược ở trường Tự nhiên. Cả hai nói ban đầu chỉ mong hoàn thành chương trình, ra trường đi bán thuốc hoặc làm trong ngành Dược. Tuy nhiên, ngày bước vào phòng thí nghiệm đã thay đổi hướng đi của hai nữ sinh.

"Từ năm thứ hai, sinh viên phải vào phòng nghiên cứu (lab) của trường để thực hành, thực tập các nghiên cứu cơ bản. Mình và Trang cùng một phòng lab nên dần thân với nhau", Ngần nhớ lại.

Khi mới vào, Ngần và Trang được phân công làm việc ở hai dự án khác nhau, nhưng cùng nghiên cứu về vật liệu nanosilica để xử lý nước thải có tồn dư thuốc kháng sinh. Cả hai cảm thấy vừa may mắn, vừa lo âu khi "chân ướt chân ráo" đã được vào nhóm cùng các anh chị khóa trước để làm nghiên cứu, thay vì những công việc vặt hay những thí nghiệm đơn giản như cân đo chất, chuẩn độ...

Được tiếp xúc với máy móc hiện đại, mới lạ, các hợp chất hữu cơ và làm thí nghiệm trên vật liệu thật, Trang và Ngần thấy hào hứng. Dù vậy, ban đầu tay chân còn lóng ngóng, Trang và Ngần nhiều lần làm hỏng thí nghiệm.

"Mình không quen nên làm hỏng suốt, mà để cho ra kết quả thì phải mất hàng tuần. Có khi hút chất sai, có khi thì đun hỏng, bếp nấu không quay, máy không hoạt động", Trang kể.

Mỗi lần làm xong thí nghiệm, cả hai cẩn thận viết báo cáo gửi cho thầy hướng dẫn nhận xét, chỉ ra điểm đạt và chưa đạt. Trang nhớ nhất lần thí nghiệm về tính hấp phụ. Hiệu suất phải đạt trên 85%, nhưng Trang chỉ làm được khoảng vài phần trăm.

"Thầy không bực mà nhẹ nhàng góp ý và yêu cầu làm lại. Mãi mình mới phát hiện ra đã tính toán sai từ đầu", Trang kể. Trong khi đó Ngần nhớ nhất việc làm sai quy trình tổng hợp vật liệu và kết quả khảo sát.

Sau những lần thất bại, cả hai lại động viên nhau cố gắng làm tiếp, tìm ra và khắc phục được những sai lầm của bản thân. Dần dần, Trang và Ngần say mê nghiên cứu hơn.

Đôi bạn cùng nhau dồn lịch đăng ký tín chỉ học vào 1-2 ngày đầu tuần, tập trung tối đa trong tiết học và xử lý công việc ngay trên lớp, ôn lại vào buổi tối. Ngoài ra, Trang và Ngần cố gắng hoàn thiện các bài tập cá nhân và nhóm nhanh nhất có thể để dành thời gian cho nghiên cứu. Vào những ngày còn lại, cả hai đến phòng lab từ sáng đến tám giờ tối, cả thứ 7, chủ nhật. Vào mùa hè, hai nữ sinh cũng thường trong phòng thí nghiệm.

Đôi bạn thân tốt nghiệp thạc sĩ với 7 công bố quốc tế

Trương Thị Thùy Trang trong chuyến trao đổi tại Nhật Bản năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi các kết quả thí nghiệm trở nên rõ ràng, Trang và Ngần được thầy hướng dẫn cách viết báo cáo, chuyển các thuật ngữ chuyên ngành sang tiếng Anh và trình bày bản thảo tương tự công bố quốc tế. Ở khâu này, cả hai không gặp nhiều khó khăn do trau đồi tiếng Anh thường xuyên.

Sau hơn một năm, hai nữ sinh là đồng tác giả công bố quốc tế đầu tiên. Đề tài là biến tính bề mặt vật liệu nanosilica vỏ trấu bằng polyme mang điện thương mại và protein để xử lý kháng sinh. Đến năm cuối đại học, Trang là tác giả chính một công bố quốc tế Q1 về loại bỏ kháng sinh khỏi nước thải bằng nanosilica sau khi biến tính bề mặt bằng polyme mang điện dương tự tổng hợp. Đây cũng là kết quả chính trong khóa luận tốt nghiệp cử nhân của nữ sinh.

Song song đó, cả hai giành hàng loạt học bổng của trường và doanh nghiệp, giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường, được kết nạp Đảng. Trang tốt nghiệp đại học với điểm trung bình (GPA) 3,55/4, đứng đầu lớp Hóa tiên tiến. Trong khi Ngần là thủ khoa ngành Hóa Dược với GPA 3,66. Cả hai được tuyển thẳng vào chương trình thạc sĩ Hóa học phân tích.

"Tất cả mọi người đều bất ngờ vì hai gia đình không ai theo nghề nghiên cứu", Ngần nhớ lại. Nữ sinh xuất thân là con nhà nông, còn Trang có bố mẹ là viên chức nhà nước. Cả hai nhìn nhận đây là cơ hội để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu, hướng chính là xử lý môi trường nước, chất thải bằng cách sử dụng vật liệu nano mới có hiệu năng cao. Trang và Ngần lý giải ở Việt Nam có tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi, trong khi không có hệ thống máy móc tiên tiến để xử lý kháng sinh tồn dư trong nước thải. Nếu như các chất này có trong nước sinh hoạt, người dùng có thể gặp tình trạng kháng thuốc do hấp thu thụ động.

"Các nghiên cứu này sẽ giúp loại bỏ các tồn dư kháng sinh, chất thải y tế độc hại trong nước. Hiệu suất của các nghiên cứu cao, trên 85% nên mình nghĩ có thể áp dụng vào lĩnh vực y khoa, xử lý ô nhiễm môi trường", Trang nói.

Đôi bạn thân tốt nghiệp thạc sĩ với 7 công bố quốc tế

Vũ Thị Ngần hôm nhận bằng cử nhân Hóa Dược năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Đức cho hay mặc dù nghiên cứu của hai nữ sinh rất cơ bản nhưng có khả năng ứng dụng cao khi thử nghiệm thành công trên mẫu nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp với kết quả tốt.

Ông đánh giá cả hai đều có đam mê với khoa học, khát khao cống hiến. Nhận ra điều này sớm, TS Đức đã ghép nhóm để các em cùng tiến.

"Số lượt trích dẫn của mỗi bạn đều trên 100, là mức rất hiếm với học viên cao học chuẩn bị nhận bằng thạc sĩ. Bản thân tôi làm xong tiến sĩ ở Nhật Bản sau khoảng ba năm mới đạt chỉ số này", thầy Đức cho biết.

Trang và Ngần nói cả hai như bao đôi bạn sinh viên khác. Dù bận rộn với việc trong phòng lab, hai nữ sinh vẫn thường cùng nhau đi ăn, vui chơi.

"Làm nghiên cứu không hề khô khan như mọi người nghĩ. Ở trong phòng lab, chúng mình cùng giúp nhau làm thí nghiệm, bài tập trên trường và chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống, động viên nhau đi lên", Trang và Ngần chia sẻ.

Hiện tại, Ngần gấp rút hoàn thiện hồ sơ để du học tiến sĩ ngành Hóa học tại Nhật Bản với học bổng toàn phần của chính phủ nước này (học bổng MEXT). Còn Trang sẽ làm nghiên cứu sinh ở trong nước.

"Chúng mình sẽ học tập, nghiên cứu nhiều hơn, sau đó làm nghiên cứu viên trong các viện, hay giảng viên để hướng dẫn các em sau này", Ngần nói.

Theo Vnexpress.

Hải Hà (lớp Công nghệ sinh học K61) được biết đến là gương mặt quảng cáo quen thuộc trên màn ảnh nhỏ, là một Gen Z xinh đẹp, đa tài. Đam mê nghiên cứu khoa học về gen và protein, hiện Hải Hà vừa bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ ngành sinh học thực nghiệm, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Hải Hà - gương mặt quảng cáo quen thuộc thường xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

Mình là Nguyễn Thị Hải Hà (sinh năm 1998) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Mình là một cô gái trẻ có niềm đam mê nghiên cứu, thích khám phá những điều thú vị trong cuộc sống và hiểu thêm bản chất về thế giới xung quanh. Mình yêu khoa học, yêu thiên nhiên, đặc biệt là thích nghiên cứu về gen và protein. Từ đó, mình có thể thấu hiểu bản thân, biết thêm về các cơ chế hoạt động của cơ thể và có những kiến thức về sinh học.

Từ nhỏ, mình đã có ước mơ trở thành một nhà khoa học. Vậy nên, mình luôn cố gắng, nỗ lực để tiến tới con đường nghiên cứu. Hiện tại, bản thân mình mong muốn được ứng dụng những kiến thức khoa học cơ bản tới tất cả mọi người, để mọi người có một chế độ sống lành mạnh, tươi vui và hạnh phúc. Đó cũng chính là lý do vì sao sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, mình đã quyết định học lên Thạc sĩ ngành Sinh học thực nghiệm, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’
Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Từ nhỏ, Hải Hà đã có ước mơ trở thành một nhà khoa học.

Từ khi bắt đầu đi học, mình luôn cố gắng phấn đấu để có kết quả học tập tốt nhất. Để biến ước mơ thành hiện thực, mình đặt ra những kế hoạch, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để hoàn thành. Ở góc làm việc luôn có thời gian biểu và mình nghiêm túc thực hiện các chế độ. Sau mỗi thành quả, mình sẽ tự thưởng cho bản thân và đặt ra mục tiêu mới để theo đuổi. Bản thân mình của hiện tại đã trải qua rất nhiều những khó khăn, thử thách. Mình luôn vững tin và quyết tâm để vượt qua từng chặng đường với mong muốn lan tỏa nhiều điều tử tế.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’
Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Hải Hà mong muốn được ứng dụng những kiến thức khoa học cơ bản tới tất cả mọi người, để mọi người có một chế độ sống lành mạnh, tươi vui và hạnh phúc.

Bản thân mình có rất nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Từ một cô bé ở quê chân ướt chân ráo lên Hà Nội mang theo hoài bão và kỳ vọng của gia đình. Mình sống tự lập, từ khi mới lên Đại học mình đã làm thêm những công việc khác nhau để đỡ gia đình và có thêm những trải nghiệm. Để gây dựng sự nghiệp, uy tín và thương hiệu tại Hà Nội (nơi hội tụ rất nhiều người tài giỏi) là cả một sự cố gắng không ngừng nghỉ trên một hành trình dài. Vì vậy, mình luôn cảm thấy biết ơn khi có những thầy cô, anh chị, bạn bè sẵn sàng giúp đỡ.

Khi mình còn là sinh viên, thầy mình có nói với lớp rằng: “Trong cuộc đời của các em có 3 sự lựa chọn quan trọng: “Chọn trường Đại học, chọn chuyên ngành và lập gia đình”. Mình cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi là sinh viên của trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Mình thay đổi, trưởng thành và phát triển hơn rất nhiều nhờ môi trường nơi đây. Mình được khám phá, nghiên cứu, hiểu sâu về bản chất nhiều lĩnh vực nhờ quá trình học tập, thực tập tại các phòng thí nghiệm. Mình được đi quân sự và có những kỷ niệm tại ngôi nhà “Hola”. Mình được đi thực tập thiên nhiên tại Tam Đảo cùng các thầy cô và các bạn khoa Sinh K61. Mình thỏa sức sáng tạo và phát triển nhờ các hoạt động của trường. Mình đã có thanh xuân tươi đẹp trong suốt quãng thời gian đi học.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Đối với Hải Hà, Đại học là quãng thời gian thanh xuân và kỷ niệm tươi đẹp.

Điều giúp mình thay đổi và trưởng thành lớn nhất trong thời gian qua, đó là chọn được chuyên ngành gắn bó và có người thầy hướng dẫn rất tâm huyết. Một lần, mình may mắn được nhận học bổng “Nữ trí thức trẻ” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tại buổi lễ trao học bổng, mình đã được nghe những chia sẻ của GS.TS. Phạm Thị Trân Châu và GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa về niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Sau khi nghe xong, mình đã tìm ra “mặt trời chân lý” cho bản thân trong việc lựa chọn hướng đi trong tương lai. Mình quyết định chọn phòng thí nghiệm Protein tái tổ hợp là nơi làm khóa luận dưới sự hướng dẫn của GS. TS. Phan Tuấn Nghĩa và TS. Nguyễn Thị Hồng Loan. Cho tới khi học lên thạc sĩ, mình tiếp tục được thầy hướng dẫn luận văn. Thầy Nghĩa là người rất nguyên tắc, cẩn thận trong công việc, điều đó đã giúp mình học được ở thầy rất nhiều đức tính cao đẹp. Thầy là người mà mình có thể chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, luôn lắng nghe, chỉ dạy tận tình, động viên và tìm cho mình hướng đi tốt nhất. Mình thật sự cảm thấy rất may mắn và biết ơn khi là học trò của thầy cô.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Hải Hà và GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Hải Hà vừa bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ ngành Sinh học thực nghiệm, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Mình đã trải qua rất nhiều những thử thách, thậm chí là thất bại. Một người nghiên cứu khoa học thực sự sẽ trải qua rất nhiều những khó khăn. Từ những ngày đầu bước vào lab học kỹ thuật, cho tới khi làm khóa luận, luận văn là cả một hành trình rất gian nan, vất vả. Thời Đại học, mình may mắn khi được học hỏi và thực tập ở 3 lab về vi sinh, y sinh và hóa sinh. Mình được các anh chị và thầy cô khoa Sinh học hướng dẫn rất nhiệt tình, do đó mình có những kinh nghiệm phòng lab và vững vàng sử dụng pipet trong mọi thí nghiệm. Mình được làm rất nhiều thí nghiệm về enzyme, nhân dòng gen, biểu hiện, tinh sạch protein, Western Blot. Để có những kết quả tốt, mình đã phải trải qua nhiều lần thất bại trong thí nghiệm. Sau khi tốt nghiệp, mình muốn hiểu sâu và tiếp cận gần gũi hơn với y học, vậy nên mình đã sang trung tâm nghiên cứu Gen - Protein Đại học Y để thực tập. Mình sẵn sàng làm việc, hướng dẫn kỹ thuật cho các bạn sinh viên và tham gia các hoạt động của lab.

Đồng thời, mình cũng phải trải qua 2 đề tài trước khi bảo vệ. Đề tài thứ nhất là: “Xác định biểu hiện của một số miRNA trên bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma)", dưới sự hướng dẫn của PGS.TS.BS.Trần Vân Khánh và GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa. Mình đã chạy đề tài từ chuẩn hóa quy trình, bảo vệ đề cương và viết trong suốt 2 năm. Sau cả hành trình dài và những khó khăn gặp phải, mình bị đổi sang đề tài: “Xác định biến thể SARS-CoV-2 thuộc tỉnh Bắc Giang bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới”. Thời điểm ấy, COVID-19 đang là vấn đề bức thiết trên toàn thế giới, việc tiếp cận và làm đề tài mới trong thời gian ngắn so với các bạn là thách thức vô cùng lớn và là cơ hội đối với mình. Mình không ngừng học hỏi, chủ động, cố gắng trên suốt cả hành trình. Vì là đề tài mới nên mình phải xây dựng và nỗ lực hơn rất nhiều. Khi ấy, mình có liên hệ với những chuyên gia, bác sĩ, tiến sĩ và công ty chuyên nghiên cứu về giải trình tự gen thế hệ mới và nghiên cứu về SARS-CoV-2 tại Việt Nam để học hỏi và trao đổi. Dưới sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô, đại học Oxford và công ty GeneStory, đặc biệt là TS.Hoàng Hồng Thắm cùng đội nghiên cứu, mình đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc và biết ơn khi có mọi người hỗ trợ. Qua đây, mình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả mọi người!

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Một góc công việc của Hải Hà.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Bên cạnh lĩnh vực khoa học, mình còn là diễn viên quảng cáo (chuyên về TVC) và là mẫu ảnh, MC cho các đơn vị, nhãn hàng, tập đoàn,...

Điều may mắn là mình được làm cán bộ lớp trong suốt quãng thời gian đi học, làm tổ trưởng khi ở Tiểu học, tham gia đội trống của trường; Đến Trung học cơ sở là lớp phó học tập; Trung học phổ thông làm lớp trưởng; Đại học là lớp trưởng cả ngành Công nghệ sinh học K61, Thạc sĩ làm lớp trưởng của cả khóa K29 khoa Sinh học. Nhờ quá trình rèn luyện và sắp xếp các công việc học tập, nghiên cứu, hoạt động lớp, khoa, trường. Vậy nên, mình có khả năng làm được nhiều việc cùng lúc, để mọi việc đạt kết quả tốt thì cần sự cố gắng và phân bố thời gian hợp lý.

Khi Hà làm song song hai mảng khoa học và nghệ thuật - một sự giao thoa khá thú vị, mình phát triển được rất nhiều điều. Trong khoa học, bản thân mình luôn phải cẩn thận trong từng thí nghiệm, làm đề tài cần có tư duy logic và cần có lựa chọn sáng suốt khi sử dụng tài liệu tham khảo. Khoa học giúp mình rèn luyện trong công việc. Nghệ thuật giúp mình có những trải nghiệm, những kinh nghiệm quý báu. Mình áp dụng cách làm việc khoa học vào nghệ thuật, nhờ vậy mình nhận được niềm tin từ nhãn hàng. Nghệ thuật giúp cuộc sống của mình tươi vui và nhiều màu sắc. Hai công việc tưởng chừng như không liên quan, nhưng lại hoàn toàn hỗ trợ lẫn nhau giúp mình phát triển.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Công việc hiện tại đã giúp Hà trưởng thành và lan tỏa nhiều giá trị đến với mọi người.

Sau khi bảo vệ Thạc sĩ, mình rất vui và hạnh phúc khi nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các bên. Năm nay là năm mình vẫn phải hoàn thiện thủ tục và sửa luận văn, vậy nên bản thân mình sẽ cố gắng tập trung hoàn thành và trau dồi bản thân. Bên cạnh đó mình cũng có mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng những dự án riêng với sứ mệnh lan tỏa những giá trị và mang kiến thức khoa học cơ bản tới mọi người, xây dựng lối sống mạnh khỏe, tươi trẻ, hạnh phúc dưới sự cố vấn chuyên môn của các chuyên gia, bác sĩ, các nhà khoa học. Mình mong muốn được mang truyền thông để lan tỏa những giá trị, sứ mệnh cao cả của đơn vị, tập đoàn tới mọi người và kết nối những nơi có chung chí hướng. Hà mong rằng mọi người sẽ có thói quen yêu thương và chăm sóc bản thân, nuôi dưỡng thân tâm trí để khỏe, trẻ, đẹp hơn. Mình hy vọng sẽ được đồng hành và lan tỏa những điều tử tế tới mọi người.

Thạc sĩ khoa học trẻ Hải Hà - Nàng thơ TVC của các nhãn hàng với profile ‘cực chất’

Hải Hà hy vọng sẽ được đồng hành và lan tỏa những điều tử tế tới mọi người.

Một slogan của mình đặc biệt yêu thích: “Làm việc từ tâm, nâng tầm chất lượng”.

Những thành tích nổi bật của Hải Hà:

- 12 năm đạt Học sinh Giỏi.

- Tham gia vào nhiều kỳ thi Học sinh Giỏi Toán, Văn, Anh, Sinh, Sử cấp Trường, Huyện và Thành phố.

- Đạt học bổng “GS Võ Quý”.

- Đạt học bổng “Nữ trí thức trẻ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

- Sinh viên 5 tốt cấp Trường.

- Giải nhì Olympic Sinh học.

- Đạt GPA 3.36.

- Có bài báo khoa học đã công bố với tác giả chính: “Xác định biến thể SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh nhân Bắc Giang trong vụ dịch 2021 bằng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới”, tạp chí nghiên cứu y học.

- Khóa luận tốt nghiệp: “Xác định điều kiện thích hợp cho việc tinh sạch VP28 tái tổ hợp từ E. coli”.

- Luận văn thạc sĩ: "Xác định biến thể SARS-CoV-2 thuộc tỉnh Bắc Giang bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới”.

Theo Sinh viên Việt Nam.

LabShare - mạng lưới kết nối và chia sẻ nguồn tài nguyên khoa học - sẽ giúp bạn tìm được thiết bị nghiên cứu và cơ sở đo mẫu phù hợp với nhu cầu, tăng hiệu quả sử dụng cho các trang thiết bị nhàn rỗi trong lab của bạn.

Năm 2017, Hội đồng Khoa học Viện Toán học đã nhận được nhiều hồ sơ rất xuất sắc của các ứng viên cho Giải thưởng Viện Toán học. Sau một quá trình lấy ý kiến phản biện từ các chuyên gia đầu ngành ở trong và ngoài nước cho tất cả các hồ sơ, bằng cách bỏ phiếu kín và với đa số phiếu tập trung, Hội đồng Khoa học đã chọn ra hai nhà Toán học trẻ để trao tặng Giải thưởng Viện Toán học năm 2017 là TS. Ngô Quốc Anh và TS. Nguyễn Duy Tân. Đặc biệt, cả hai nhà khoa học trẻ tài năng này đều là cựu sinh viên, học viên cao học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. 

GS. Vũ Ngọc Phát Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Toán học và GS. Phùng Hồ Hải Viện trưởng Viện Toán học trao giải thưởng Viện Toán học cho 2 nhà khoa học

TS. Ngô Quốc Anh sinh năm 1983, là cử nhân (2005) và Thạc sỹ (2007) của Trường ĐHKHTNHN, ĐHQGHN và Tiến sĩ ĐH Quốc gia Singapore (2013), hiện là giảng viên Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường ĐHKHTN. Lĩnh vực nghiên cứu của TS. Ngô Quốc Anh là giải tích hình học và phương trình đạo hàm riêng. Anh được trao Giải thưởng Viện Toán học năm 2017 vì những đóng góp xuất sắc của mình trong việc nghiên cứu phương trình Einstein với ràng buộc, bằng việc khảo sát các trường hợp độ cong trung bình là hằng, gần hằng và xa hằng.

TS. Nguyễn Duy Tân sinh năm 1981, là cử nhân (2003) và Tiến sỹ (2008) của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN), hiện đang công tác tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu của TS. Nguyễn Duy Tân là Lý thuyết Galoa, nhóm đại số và đối đồng điều Galoa của chúng. Anh có những đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu lý thuyết tích Massey trong lý thuyết đối đồng điều Galoa của trường và ứng dụng của chúng trong việc nghiên cứu nhóm Galoa tuyệt đối của trường, một trong những bài toán trung tâm của Lý thuyết Số hiện đại.

Giải thưởng Viện Toán học là giải thưởng dành cho những nhà Toán học trẻ làm việc tại Việt Nam và có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu Toán học. Ứng viên của Giải thưởng này có tuổi đời không quá 40 tuổi, không nhất thiết là người Việt Nam nhưng phải đang làm việc (hoặc có vị trí làm việc) tại Việt Nam trong năm xét. Giải thưởng Viện Toán học được xét và trao tặng hai năm một lần, vào các năm lẻ.

Cụm công trình của TS. Ngô Quốc Anh:

1. Q.A. Ngo, X. Xu, Existence results for the Einstein-scalar field Lichnerowicz equations on compact Riemannian manifolds, Adv. Math. 230 (2012) 2378–2415.

2. Q.A. Ngo, X. Xu, Existence results for the Einstein-scalar field Lichnerowicz equations on compact Riemannian manifolds in the positive case, Bull. Inst. Math. Acad. Sin. (N.S.) 9 (2014) 451–485.

3. Q.A. Ngo, X. Xu, Existence results for the Einstein-scalar field Lichnerowicz equations on compact Riemannian manifolds in the null case, Comm. Math. Phys. 334 (2015) 193–222.

4. R. Gicquaud, Q.A. Ngo, A new point of view on the solutions to the Einstein constraint equations with arbitrary mean curvature and small TT-tensor, Classical Quantum Gravity 31 (2014) 95014 (20pp).

5. Q.A. Ngo, H. Zhang, Prescribed Webster scalar curvature on compact CR manifolds with negative conformal invariants, J. Differential Equations 258 (2015) 4443–4490.

Cụm công trình của TS. Ngô Quốc Anh:

1. J. Miná\v c and N. D. Tân, Triple Massey products and Galois theory, J. Eur. Math. Soc. 19 (2017), 255-284.

2. J. Miná\v c and N. D. Tân, The Kernel Unipotent Conjecture and Massey products on an odd rigid field, (with an Appendix written by I. Efrat, J. Miná\v c and N. D. Tân), Adv. Math. 273 (2015), 242-270.

3. J. Miná\v c and N. D. Tân, Triple Massey products vanish over all fields, J. London Math. Soc. 94 (2016), 909-932.

4. J. Miná\v c and N. D. Tân, Construction of unipotent Galois extensions and Massey products, Adv. Math. 304 (2017), 1021-1054.

 

Theo http://math.ac.vn

Lễ Bảo vệ Luận án Tiến sỹ cấp ĐHQGHN của Nghiên cứu sinh (NCS) người Đức chuyên ngành Hóa môi trường: “Đóng góp cho hệ thống đo lường trực tuyến để điều tra sự độc hại của nước thải đối với bùn hoạt tính”.

Ngày 29/03/2018, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQGHN đã diễn ra Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ chuyên ngành Hóa môi trường của NCS Ferdinand Friedrichs đến từ CHLB Đức. Đề tài của anh là: “Đóng góp cho hệ thống đo lường trực tuyến để điều tra sự độc hại của nước thải đối với bùn hoạt tính” (Contributions to Online Measurement Systems for the investigation of Wastewater Toxicity on Activated Sludge).

Hội đồng bảo vệ Luận án tiến sĩ do GS.TS. Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng còn có các thành viên sau: GS.TS. Lê Quốc Hùng - Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS. Karl-Ulrich Rudolph - Giám đốc điều hành Viện kỹ thuật và quản lý môi trường - Witten/Herdecke University (IEEM); TS. Nguyễn Hùng Minh - Tổng cục Môi trường Việt Nam; PGS.TS. Dương Hồng Anh - VNU-HUS; TS. Lê Trọng Lư - Viện Kỹ thuật nhiệt đới; PGS.TS. Từ Bình Minh - VNU-HUS.

NCS Ferdinand Friedrichs đến từ LAR Process Analyzer AG đã được nhận vào chương trình đào tạo tiến sĩ về Hóa Môi trường từ năm 2013 đến năm 2016. Sau khi hoàn thành khóa học, NCS Ferdinand Friedrichs thực hiện luận án dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Đỗ Quang Trung (ĐHKHTN) và TS. Wolfgang Genthe (LAR Process Analyzer AG), NCS Ferdinand Friedrichs đã vượt qua kỳ kiểm tra ban đầu và luận án đã được các nhà phê bình đánh giá, đề nghị bảo vệ ở vòng chung kết.

Luận án tiến sĩ của NCS Ferdinand Friedrichs được các nhà chuyên môn cũng như thành viên Hội đồng bảo vệ luận án đánh giá cao với khả năng ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam và trên thế giới. Tất cả các giám định viên đồng ý rằng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm hô hấp kích hoạt bùn trực tuyến không bị trùng lặp so với các ấn phẩm khác tại Việt Nam. Việc áp dụng hệ thống Nitritox và Biomonitor để theo dõi nước thải tại 7 khu công nghiệp trên khắp Việt Nam chưa được công bố ở Việt Nam và các nước khác. “Các nghiên cứu tương tự đã được áp dụng trên thế giới, tuy nhiên nghiên cứu để tăng độ nhạy của thử nghiệm ức chế và sử dụng Nitritox để theo dõi xử lý nước thải trong các khu công nghiệp Việt Nam là nghiên cứu và ứng dụng mới", PGS.TS. Trần Hồng Côn - ĐHKHTN và TS. Trịnh Anh Đức - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhận xét.

Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

- Độ nhạy của thí nghiệm ức chế hô hấp bùn hoạt tính có thể được tăng lên bằng cách thay đổi dung dịch dinh dưỡng, pH, nhiệt độ, nồng độ sinh khối, thời gian ủ và nồng độ ôxy trong thiết bị lên men.

- Việc thay thế dung dịch dinh dưỡng là nước thải tổng hợp bằng natri axetat làm tăng độc tính. Điều này có thế lý giải bằng việc tạo thành của phức chất kim loại nặng với các thành phần có trong nước thải tổng hợp, đặc biệt là peptone. Phức chất kim loại nặng – peptone có độc tính thấp hơn so với kim loại nặng khi có sự hiện diện của natri axetat.

- Một hệ thống theo dõi trực tuyến chất độc của nước thải lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam. Một loạt hoạt động đo đạc đánh giá ở bảy khu công nghiệp trong cả nước đã được tiến hành. Việc quan trắc đã chỉ ra rằng độc tính từ các hợp chất nitrit đã xảy ra ở năm trong tổng số các khu công nghiệp được tiến hành.

Khả năng ứng dụng thực tiễn:

- Với thiết bị phân tích trực tuyến BOC Biomonitor, một ứng dụng mới đã được phát triển để đo thành công hiện tượng ức chế hô hấp của bùn hoạt tính. Do đó, phạm vi ứng dụng của Biomonitor được tăng lên, có tầm quan trọng về kinh tế đối với các thiết bị phân tích LAR, với phát triển mới này hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến doanh thu.

- Nghiên cứu này đã thành công trong việc tăng độ nhạy của thử nghiệp về ức chế hô hấp bùn hoạt tính. Cải tiến này rất phù hợp với việc phát triển một hệ thống cảnh báo sớm mà có thể phát hiện ra các dòng chảy độc hại ở WWTP sớm hơn và ở nồng độ thấp hơn.

- Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, thử nghiệm ức chế hô hấp bùn hoạt tính được tiến hành với việc sử dụng lần đầu tiên một điện cực ORP. Do đó, điện cực ORP có thể được ứng dụng như một đầu dò cho ức chế hô hấp bùn hoạt tính.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

ĐỊA CHỈ: 334 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội

Điện thoại: (84) 0243-8584615 / 8581419

Fax: (84) 0243-8523061

Email: hus@vnu.edu.vn - admin@hus.edu.vn

Cổng thông tin tuyển sinh Đại Học Quốc Gia Hà Nội: http://www.tuyensinh.vnu.edu.vn

LIÊN KẾT FACEBOOK

Bản quyền © Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN