Thông báo tin tức
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) phát triển tương lai của bạn
  • QS World University Rankings 2025: ĐHQGHN tăng 100 bậc và khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam về chất lượng sau tốt nghiệp
  • Hấp dẫn cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học
  • Toán học thực sự là "rường cột" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
  • Điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào Trường ĐHKHTN từ 20/30 điểm đến 34.85/40 điểm
  • [Infographic] Sinh dược học - Ngành học góp phần đảm bảo nguồn nhân lực ngành công nghiệp dược phẩm
  • Trường ĐHKHTN tuyển sinh ngành sinh dược học từ năm 2023
  • Vì sao Trường ĐH Khoa học tự nhiên mở ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn?
  • 13 học sinh chuyên Khoa học Tự nhiên dự thi Olympic quốc tế
  • Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 của ĐHQGHN đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp là 20 điểm
  • (Video) Tìm hiểu phương thức tuyển sinh và các ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2022
  • Cách để tăng cơ hội trúng tuyển trong mùa tuyển sinh 2022

[VOV2] - Khoa học cơ bản là nền móng vững chắc của ngôi nhà, từ đó có thể kiến tạo nhiều phong cách kiến trúc phù hợp với mọi yêu cầu, sở thích. Sinh viên Trường ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) không chỉ học để có việc làm mà còn có khả năng phát triển tương lai.

Một ngôi nhà muốn bền vững phải có nền móng thực sự vững chắc – Với nền móng ấy bạn có thể kiến tạo rất nhiều phong cách kiến trúc phù hợp với mọi yêu cầu, sở thích. Điều này được ví như những kiến thức cơ bản bạn có được nếu bạn là sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

Là sinh viên các ngành của Khoa Toán-Cơ-Tin học, khi ra trường bạn hoàn toàn có thể làm việc trong các lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin, Phân tích dữ liệu tài chính và đánh giá rủi ro, logistic … Là sinh viên Khoa Vật lý hay Khoa Hóa học, bạn sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để trở thành chuyên gia thiện chiến trong lĩnh vực chuyên môn nhưng bạn cũng sẽ đủ năng lực và tư duy sáng tạo để cạnh tranh với những đối thủ học đúng chuyên ngành công nghệ bán dẫn hay thiết kế vi mạch, sản xuất chip,..

Nếu bạn thật sự đam mê khoa học tự nhiên thì việc chọn Trường ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) là bạn đã chọn đúng môi trường học tập, nghiên cứu mà ở đó những người thầy, người bạn sẽ đồng hành cùng bạn và giúp bạn tỏa sáng thực sự. Từ những thí sinh ưu tú có bề dày thành tích học tập trong những năm học phổ thông đến những chàng trai nghèo ở vùng xa xôi hẻo lánh mang trong mình tình yêu với khoa học cơ bản và mong muốn được khám phá, được chinh phục tự nhiên - bạn đều có cơ hội thành công khi học tập ở môi trường này.

Học gì đúng với đam mê, sở trường để có việc làm là ước mơ khát vọng chính đáng của mỗi thí sinh nhưng học gì để có thể phát triển bản thân tối đa trong nhiều môi trường khác biệt là điều chưa phải thí sinh nào cũng nghĩ đến. Diễn đàn VOV2 lúc 11h00 ngày 24/4 với sự tham gia của 3 vị khách mời :

- GS Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

- PGS Phạm Nguyên Hải - GV cao cấp Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

- TS Đỗ Thanh Hà – Phó trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) phát triển tương lai của bạn

GS Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (thứ nhất từ phải sang)

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) phát triển tương lai của bạn

PGS Phạm Nguyên Hải - GV cao cấp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (thứ hai từ phải sang)

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) phát triển tương lai của bạn

TS Đỗ Thanh Hà – Phó trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học (thứ tư từ trái sang)

Các khách mời đến từ trường ĐHKHTN - ĐHQGHN sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học công nghệ, mang tính ứng dụng cao không chỉ thú vị khi theo học mà còn có nhiều cơ hội việc làm và có khả năng phát triển tiềm năng tương lai.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên VOV2 96,5 và livestream trên trang fanpage VOV2 cuộc sống muôn màu. Hotline: 02438565566 và 02438265656.

Ngày 5/6/2024, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) đã công kết quả Bảng xếp hạng đại học thế giới QS World University Rankings 2025 (QS WUR 2025). Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có sự gia tăng mạnh mẽ lên vị trí trong nhóm 851-900 các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới theo tiêu chí xếp hạng của QS WUR (so với lần xếp hạng trước là nhóm 951-1000).

QS World University Rankings 2025: ĐHQGHN tăng 100 bậc và khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam về chất lượng sau tốt nghiệp

Kết quả xếp hạng năm nay có đóng góp lớn từ chất lượng và ảnh hưởng của người học tốt nghiệp ĐHQGHN, trong đó các tiêu chí Kết quả tuyển dụng được xếp hạng 202 thế giới và Uy tín tuyển dụng được xếp hạng 472 thế giới.

Trong kỳ xếp hạng lần này, QS WUR 2025 đã xếp hạng cho 1503 cơ sở giáo dục đại học (có 21 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên được xếp hạng) trong tổng số 5.663 cơ sở giáo dục đại học tham gia từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ.

QS World University Rankings 2025: ĐHQGHN tăng 100 bậc và khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam về chất lượng sau tốt nghiệp

ĐHQGHN tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm 900 trường đại học hàng đầu thế giới theo kết quả xếp hạng mới nhất của bảng QS WUR 2025 (Nguồn: QS)

Đối với các tiêu chí xếp hạng của QS WUR 2025, ĐHQGHN tiếp tục được đánh giá cao bởi nhà tuyển dụng khi 2 tiêu chí có mức điểm cao nhất là Uy tín tuyển dụng (xếp hạng 472 thế giới – 18,7 điểm) và Kết quả tuyển dụng (xếp hạng 202 thế giới – 60,1 điểm, tăng 49,3 điểm so với kỳ xếp hạng trước). Đặc biệt, tiêu chí Kết quả tuyển dụng (Employment Outcomes) của ĐHQGHN được xếp ở vị trí 202 thế giới (gia tăng 197 bậc so với lần xếp hạng trước) – cũng là vị trí xếp hạng cao nhất ở Việt Nam, thể hiện vị thế của ĐHQGHN về chất lượng người học tốt nghiệp. Tiêu chí Kết quả tuyển dụng được đánh giá thông qua 2 chỉ số là Tác động của cựu sinh viên và Chỉ số việc làm của người học tốt nghiệp. Trong đó, chỉ số Tác động của cựu sinh viên được tính toán thông qua đo lường thành tích xuất sắc và ảnh hưởng của cựu người học (các giải thưởng quốc tế như Nobel, UNESCO; là thành viên hội đồng quản trị của các công ty trên 38 sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu; có mặt trong danh sách Forbes và Time; là lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ toàn cầu quan trọng và giữ vị trí quan trọng trong chính phủ quốc gia).

QS World University Rankings 2025: ĐHQGHN tăng 100 bậc và khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam về chất lượng sau tốt nghiệp

Trong kỳ xếp hạng QS WUR 2025, ngoài 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng kỳ trước, Việt Nam có thêm 1 đơn vị được xếp hạng là Đại học Huế.

QS WUR 2025 là lần thứ 2 QS sử dụng bộ tiêu chí mới gồm 9 tiêu chí và không có sự thay đổi trọng số so với kỳ xếp hạng trước.

Tiêu chí xếp hạng đại học thế giới của tổ chức QS

Tiêu chí xếp hạng

Trọng số

Uy tín học thuật

30%

Uy tín tuyển dụng

15%

Tỷ lệ cán bộ khoa học/người học

10%

Số trích dẫn/cán bộ khoa học

20%

Tỷ lệ cán bộ khoa học quốc tế

5%

Tỷ lệ người học quốc tế

5%

Mạng lưới nghiên cứu quốc tế

5%

Tỷ lệ có việc làm của người học tốt nghiệp

5%

Phát triển bền vững

5%

Trong khu vực Đông Nam Á, đã có 84 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng tại Bảng xếp hạng QS WUR 2025, trong đó, Malaysia là quốc gia Đông Nam Á có nhiều cơ sở giáo dục được xếp hạng nhất (28), tiếp theo là Indonesia (26), Thái Lan (13), Việt Nam (6), Phillipines (5), Singapore (4) và Brunei (2). Tuy chỉ có 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhưng Singapore vẫn cho thấy vị thế hàng đầu khi có 2 cơ sở giáo dục đại học trong  nhóm 20 thế giới (Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 8 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng thứ 15.

Trong top 10 thế giới, các cơ sở giáo dục của Anh và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì vị thế với việc mỗi quốc gia đều có 4 CSGDĐH nằm trong top 10. Cụ thể, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí số 1 trong 12 năm liên tiếp và Trường Đại học Imperial giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng QS WUR.

QS World University Rankings 2025: ĐHQGHN tăng 100 bậc và khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam về chất lượng sau tốt nghiệp

Trước đó, vào tháng 5/2024, ĐHQGHN gia tăng chỉ số tiêu chí quốc tế hóa và môi trường nghiên cứu trong Bảng xếp hạng đại học trẻ thế giới 2024 (Times Higher Education Young University Rankings 2024 - THE YUR 2024). ĐHQGHN với tiêu chí Giảng dạy (26,6 điểm – tăng 2,9 điểm so với kỳ xếp hạng THE YUR 2023 – xếp top 1 Việt Nam) – qua đó, duy trì vị thế hàng đầu trong hoạt động đào tạo Việt Nam. Ngoài ra, ĐHQGHN còn có sự gia tăng ở 2 nhóm tiêu chí khác là Môi trường nghiên cứu (15,7 điểm – tăng 2,2 điểm so với kỳ xếp hạng trước) và Quốc tế hóa (48,9 điểm – tăng 3,4 điểm so với kỳ xếp hạng trước – đây cũng là nhóm tiêu chí có điểm cao nhất của ĐHQGHN).

QS World University Rankings 2025: ĐHQGHN tăng 100 bậc và khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam về chất lượng sau tốt nghiệp

Chứng nhận kết quả xếp hạng thuộc nhóm 851-900 cơ sở giáo dục đại học của ĐHQGHN

Theo VNU.

Công nghệ sinh học hiện trở thành một lĩnh vực quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, dược phẩm, nông nghiệp và môi trường.

Hấp dẫn cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên kiểm tra mẫu nuôi cấy mô thực vật. 

Từ ngành học này cũng như các ngành học liên quan đến khoa học sự sống đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Học tập cũng cần có “chiến thuật”

Theo Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, đến năm 2025, nước ta sẽ cần ít nhất 35.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Thế nhưng, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, do đó cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ sinh học chất lượng cao là rất lớn.

Nguyễn Linh Giang, sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Em chọn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học ngoài thỏa mãn điều kiện là được ứng dụng những kiến thức từ môn Sinh học mình đam mê, em còn xét đến các yếu tố như đầu ra, việc làm, nhu cầu của xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Với ngành học này, em được biết ngoài điều kiện được làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ sở y tế, em có thể làm tại doanh nghiệp hay phát triển các ý tưởng nghiên cứu của mình để khởi nghiệp, vì vậy cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai rất rộng mở”.

Chính vì xác định ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường, Linh Giang đã chuẩn bị cho mình một tâm thế học tập rất nghiêm túc.

Để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong quá trình học, Linh Giang ưu tiên hoàn thành sớm các môn đại cương từ năm thứ nhất đến hết kỳ I năm hai. Sau đó, nữ sinh sẽ căn cứ vào năng lực của mình tập trung nghiên cứu một lĩnh vực chuyên sâu.

“Từ năm thứ ba, em chủ động tìm đến các phòng thí nghiệm để nghiên cứu cũng như xin đi kiến tập, thực tập tại các cơ sở nhằm giúp bản thân có cơ hội nắm bắt được xu thế phát triển của ngành mình học”, Linh Giang cho biết.

Với những kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua, PGS.TS Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra lời khuyên: “Trong quá trình học, sinh viên phải xác định nắm vững kiến thức chuyên môn cơ bản của khoa học tự nhiên và khoa học sự sống để làm cơ sở tiếp nhận những kiến thức, kỹ thuật chuyên sâu của lĩnh vực công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, các bạn nên tham gia vào dự án nghiên cứu và công việc liên quan đến ngành học mình theo đuổi, nhằm tích luỹ kinh nghiệm thực tế, phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, cách làm việc nhóm, xây dựng thương hiệu cá nhân. Có được nền móng đó rồi, các em sẽ thiết lập mạng lưới các mối quan hệ sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như đáp ứng được các yêu cầu vị trí việc làm mà mình đảm nhận”.

Không những vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thành Nam, sinh viên cần xác định tinh thần liên tục học hỏi, học tập suốt đời để cập nhật kiến thức nhằm đáp ứng với tốc độ phát triển ngày càng nhanh, không ngừng của khoa học nói chung và khoa học về công nghệ sinh học nói riêng.

Hấp dẫn cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học

Ảnh minh họa ITN.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học sẽ có cơ hội làm việc trong nhiều môi trường hiện đại như nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tại viện nghiên cứu, hoặc tại công ty công nghệ sinh học, dược phẩm, các cơ sở y tế liên quan đến công tác kiểm định chất lượng, phát triển sản phẩm, cải tiến công nghệ…

“Đồng thời, các bạn có thể khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp liên quan đến công nghệ sinh học trong các lĩnh vực như ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học với dòng thực phẩm chức năng, dược phẩm, công nghệ tế bào gốc, công nghệ gen, chế phẩm sinh học trong nông nghiệp, thủy sản…”, PGS.TS Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Dược Thiên Phúc cho biết: “Sinh viên để có cơ hội việc làm tốt, khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn cần xác định rõ con đường đi cho bản thân.

Để làm được điều đó, quá trình học cần tập trung nghiên cứu, cập nhật các công nghệ sinh học ứng dụng mới của thế giới như công nghệ gen, tế bào, vi sinh, hóa sinh, chế biến sau thu hoạch… chú trọng học đi đôi với hành, dành nhiều thời gian đến phòng thí nghiệm thực hiện những nghiên cứu nhỏ”.

Bà Hồng cũng lưu ý thêm, một trong những kỹ năng mà người học ngành này cần đặc biệt chú trọng, đó chính là thực hành để ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế trong lĩnh vực mình theo đuổi cũng như rèn luyện, đào sâu tư duy về nghề nghiệp.

Khi mới ra trường, các bạn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực hơn so với quá trình học đại học. Vì vậy, bạn cần kiên trì theo đuổi mục tiêu bản thân đưa ra cũng như tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để theo kịp với tiến bộ của nước ngoài cũng như áp dụng vào thực tiễn sản xuất cho phù hợp với mô hình tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bạn phải nắm bắt xu hướng của thị trường để đưa ra sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp. Bạn là người chăm chỉ, chịu khó, cầu thị, ham học hỏi thì ở bất kỳ môi trường nào bạn cũng có thể làm việc hiệu quả và phát triển được.

“Nguồn nhân lực đối với lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng từ khoa học sự sống (sinh học) nói chung và công nghệ sinh học nói riêng đang được quan tâm trên toàn thế giới. Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Công nghệ sinh học bắt đầu đào tạo từ năm 1996 và đây là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam đào tạo ngành học này”. - PGS.TS Nguyễn Thành Nam

Theo GD&TĐ.

Quyết định số 1543/QĐ – BGDĐT về quy chế xét, cấp học bổng cho sinh viên ngành Toán học, vừa được Bộ GD&ĐT ban hành sẽ thu hút và thúc đẩy phát triển nhân lực ngành Toán - lĩnh vực quan trọng thiết yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Toán học có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt của đời sống đặc biệt toán học giữ vị trí "rường cột" trong việc phát triển khoa học công nghệ yếu tố thiết yếu làm nên thành công của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc ứng dụng Toán học vào các lĩnh vực Khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa... đem lại những giá trị to lớn đã chứng minh, khẳng đinh vai trò, vị thế của Toán học. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nhân lực ngành Toán còn rất thiếu cần có chính sách thiết thực, cụ thể để thu hút thí sinh có năng lực theo học ngành Toán. Nghị quyết 1543/QĐ – BGDĐT về quy chế xét, cấp học bổng cho sinh viên hệ đào tạo chính quy ngành Toán học, thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030 (Chương trình Toán) là một giải pháp nhằm giải quyết bài toán về nhân lực cho lĩnh vực Toán học.

PGS.TS Lê Công Trình - Thành viên ban điều hành Chương trình Toán, Trưởng khoa Toán và Thống kê Trường Đại học Quy Nhơn cho hay: Ngày 22/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình Toán giai đoạn 2021-2030 là “Hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán”. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này của Chương trình Toán giai đoạn mới, ngày 01/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1543/QĐ-BGDĐT về Quy chế xét, cấp học bổng cho sinh viên hệ đào tạo chính quy ngành Toán học thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030.

Mục đích của Quy chế này nhằm thu hút và nâng cao chất lượng sinh viên ngành Toán học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng Toán học.

Chương trình Toán đã thực hiện cấp học bổng cho các học sinh THPT chuyên Toán và sinh viên đại học ngành Toán học (bao gồm cả Sư phạm Toán), số suất cho học sinh chuyên Toán là 300 suất/năm và cho sinh viên giỏi ngành Toán học là 200 suất/ năm. Mức học bổng vào thời điểm năm học 2019-2020 là hơn 20 triệu đồng/1 năm học.

Trong giai đoạn 2021-2030, Chương trình Toán chỉ xét cấp học bổng đối với sinh viên theo học các chương trình đào tạo hệ chính quy ở trình độ đại học thuộc ngành Toán học nhằm tuyển chọn các sinh viên xuất sắc để đào tạo thành các giảng viên toán và nghiên cứu viên toán giỏi cho các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học. Số lượng học bổng cấp tối đa 150 suất học bổng/năm. Mức học bổng năm học 2023-2024 có thể lên tới trên 36 triệu đồng/1 năm học.

Toán học thực sự là rường cột

PGS.TS Lê Công Trình nhấn mạnh: Quy chế xét, cấp học bổng này sẽ khích lệ, hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính cho các em sinh viên giỏi ngành Toán học, tạo động lực cho các em sinh viên ngành Toán học nỗ lực trong học tập đạt kết quả xuất sắc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Toán học, thu hút thêm nhiều học sinh giỏi đăng ký theo học các ngành Toán học. Qua đó góp phần tăng quy mô đào tạo các ngành Toán học của các trường đại học trong cả nước. Nhận được học bổng hỗ trợ học tập, các em sinh viên ngành Toán học sẽ yên tâm tập trung học tập và nghiên cứu khoa học, nuôi dưỡng niềm đam mê Toán học cho các em, góp phần đào tạo nhân tài trong lĩnh vực Toán học của đất nước.

Việc cấp học bổng cho sinh viên giỏi ngành Toán học là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình Toán, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo trình độ đại học ngành Toán học ở các cơ sở giáo dục trong cả nước. Trong gần 10 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều chủ trương hoàn thiện và nâng cấp các trường chuyên, chính sách trọng dụng nhân tài. Nhiều trường chuyên, trường trọng điểm đã được các địa phương đầu tư, nâng cấp. Học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường đại học…

Một số trường đại học triển khai mạnh mẽ các chương trình đào tạo cử nhân tài năng như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM; Chương trình kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội, ... Phần lớn các sinh viên giỏi từ các chương trình cử nhân, kỹ sư tài năng từ các cơ sở giáo dục nói trên đều được nhận được học bổng từ Chương trình Toán. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN là nơi đầu tiên xây dựng Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng (CNKHTN). Đây là một mô hình đào tạo rất thành công và sau đó đã được nhân rộng ở một số trường đại học khác trong cả nước.

Các sinh viên tốt nghiệp hệ CNKHTN đã trở thành các nhà khoa học trụ cột ở Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN VN) và các trường đại học trên cả nước. Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, Hệ CNKHTN cũng là một chương trình đào tạo có uy tín lớn. Nhiều giảng viên trụ cột ở các trường đại học của Thành phố Hồ Chí Minh là các cựu sinh viên của Hệ CNKHTN. Nhiều người đã trở thành các nhà toán học nổi tiếng, hiện đang làm việc ở trong nước và nước ngoài.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng và chất lượng sinh viên các ngành Toán ở Việt Nam đang có chiều hướng giảm mạnh. Thực tế, đây cũng là tình trạng chung của khu vực và thế giới, khi khoa học cơ bản không còn hấp dẫn đối với số đông học sinh và phụ huynh. Với chính sách cấp học bổng của Chương trình Toán, học sinh, sinh viên giỏi ngành Toán đã nhận được các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết, giúp các em yên tâm dành toàn bộ thời gian cho việc học tập và nghiên cứu khoa học, có điều kiện tài chính để có thể trang bị các kỹ năng mềm cần thiết, đặc biệt là tiếng Anh, để vừa có kết quả học tập và nghiên cứu tốt, vừa chuẩn bị được hành trang tốt cho việc xin việc, xin học tiếp trình độ cao hơn ở trong và ngoài nước sau khi tốt nghiệp. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Toán học tại các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, điều này còn góp phần thu hút thêm nhiều em học sinh giỏi Toán ở các trường chuyên, các trường THPT trong cả nước, đặc biệt là học sinh giỏi Toán ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn đăng ký theo học các ngành Toán, qua đó góp phần tăng quy mô sinh viên các ngành Toán học tại các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Toán học thực sự là rường cột

PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phân tích: Quy chế xét, cấp học bổng cho sinh viên hệ đào tạo chính quy ngành Toán học áp dụng đối với sinh viên theo học các chương trình đào tạo hệ chính quy ở trình độ đại học thuộc ngành Toán học (mã ngành: 74601) theo quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, bao gồm các ngành: Toán học, Khoa học tính toán, Khoa học dữ liệu, Toán ứng dụng, Toán cơ, Toán tin.

Số lượng học bổng cấp cho sinh viên hệ đào tạo chính quy ngành Toán học thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030 tối đa 150 suất học bổng/năm. Học bổng được xét theo năm học và được chia thành hai đợt xét, cấp học bổng tương ứng với từng học kỳ. Mỗi học kỳ cấp học bổng không quá 05 (năm) tháng, mỗi năm cấp học bổng không quá 10 tháng. Mỗi sinh viên được xét, cấp số lượng học bổng tối đa không quá 08 học kỳ.

Trước ngày 31/10 hằng năm, hội đồng xét, cấp học bổng tổ chức họp và lựa chọn sinh viên đủ tiêu chí cấp học bổng học kỳ 1. Trước ngày 31/3 hằng năm, hội đồng xét, cấp học bổng tổ chức họp và lựa chọn sinh viên đủ tiêu chí cấp học bổng học kỳ 2.

Toán học thực sự là rường cột

Theo Thạc sỹ Võ Đức Cẩm Hải – Phó trưởng Khoa Toán – Tin, Trường ĐHKHTN-ĐHQG TP Hồ Chí Minh, thực tế thì việc thu hút sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản nói chung, toán học nói riêng từ sau thời kỳ đổi mới gặp nhiều khó khăn hơn trước. Một mặt, sự mở rộng của nền kinh tế tạo ra nhu cầu nhân lực cho nhiều ngành nghề mới. Người học vì thế có nhiều lựa chọn hơn trong lộ trình học tập. Mặt khác, bản thân nền kinh tế cũng chưa phát triển đủ mạnh. Chúng ta vẫn dựa chủ yếu vào nhân công lao động giá rẻ mà chưa chú trọng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Vì thế nhu cầu nhân lực có trình độ cao chưa nhiều.

Các chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu nhìn chung vẫn ở mức thấp. Vì vậy một điều dễ hiểu là người học sẽ đắn đo nhiều hơn khi lựa chọn theo học ngành Toán cũng như nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản khác.

Chúng ta cần một chiến lược dài hạn để duy trì chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nhiều công nghệ lõi dựa trên nền tảng toán học sâu sắc, việc duy trì và nâng cao chất lượng nhân lực ngành toán lại càng trở nên cấp bách. Chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng trong đó vai trò điều tiết và định hướng chiến lược của nhà nước rất quan trọng. Một trong những giải pháp hiệu quả để thu hút được sinh viên theo học ngành toán là tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho người học các ngành Toán và khoa học cơ bản để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thị trường và nền kinh tế tri thức.

Về lâu dài, nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu phát triển, đồng thời có các chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng đổi mới sáng tạo, tạo nên thị trường lao động phong phú hơn cho nhân lực chất lượng cao.

Toán học thực sự là rường cột

PGS.TS. Phó Đức Tài - Trưởng Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Từ năm 2012 đến 2020, Ban Điều hành Chương trình đều đặn tổ chức xét chọn và trao học bổng cho các học sinh, sinh viên, đã có 15 kỳ xét cấp học bổng với kinh phí hơn 51 tỷ đồng được cấp cho 2.223 lượt sinh viên ngành Toán và 3908 lượt học sinh THPT chuyên toán, mỗi suất học bổng trị giá từ 7,35 triệu đến 10,43 triệu đồng/1 học kỳ.

Việc cấp học bổng cho sinh viên đã góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng sinh viên, học viên sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh) ngành Toán từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán. Qua 15 kỳ xét cấp học bổng, có gần 240 sinh viên của Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN được trao học bổng, hầu hết các em tiếp tục học sau đại học và nhiều em đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và là nguồn nhân lực trẻ quý giá cho ngành Toán. Trong giai đoạn 2021-2030, việc tiếp tục trao học bổng là rất cần thiết vì các ngành khoa học cơ bản vẫn rất cần thu hút nhân lực chất lượng cao.

Những năm gần đây, thị trường việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Toán ngày càng phong phú. Không như trước đây, sinh viên tốt nghiệp ra chỉ làm một số công việc truyền thống như giảng viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, thì nay các công việc cần đến Toán ứng dụng đã xuất hiện. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều lĩnh vực mũi nhọn trong KHCN như AI, khoa học dữ liệu, Fintech, mật mã và an toàn thông tin, … cần nhiều chuyên gia có nền tảng toán học tốt.

Toán học thực sự là rường cột

GS Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Việc Chính phủ và Bộ GD-ĐT phê duyệt và triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 thể hiện đường lối sáng suốt và đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh phát triển nền khoa học – công nghệ của Việt Nam nói chung và ngành toán học nói riêng khi toán học có những ảnh hưởng quan trọng đến các lĩnh vực trọng điểm trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2011-2020 đã đạt được một số kết quả đáng kể và chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và nghiên cứu toán học, đặc biệt là việc đào tạo đội ngũ các nhà toán học đạt trình độ quốc tế và triển khai các đề tài, dự án ứng dụng toán học trong công nghiệp; chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của các hoạt động. Việc có một chương trình học bổng sẽ thu hút các sinh viên xuất sắc theo đuổi đam mê của mình.

Đại hội Hội Toán học Việt Nam lần thứ IX tháng 8 năm 2023 đã đưa ra Nghị quyết về những phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 2023-2028, bám sát kế hoạch và các hoạt động của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh việc cấp học bổng khuyến khích sinh viên ngành Toán, chúng tôi cũng rất mong muốn Bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục ủng hộ các hoạt động chuyên môn của Hội như kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc, hoạt động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn toán ở các trường đại học…

Theo VOV2.

 

Chiều ngày 22/8/2023, Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN đã chính thức công bố điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cụ thể như sau: 

TT

Mã xét tuyển

Tên ngành

Tổ hợp

Điểm chuẩn

1

QHT01

Toán học

A00; A01; D07; D08

33.4

2

QHT02

Toán tin

A00; A01; D07; D08

34.25

3

QHT98

Khoa học máy tính và thông tin*

A00; A01; D07; D08

34.7

4

QHT93

Khoa học dữ liệu

A00; A01; D07; D08

34.85

5

QHT03

Vật lý học

A00; A01; B00; C01

24.2

6

QHT04

Khoa học vật liệu

A00; A01; B00; C01

22.75

7

QHT05

Công nghệ kỹ thuật hạt nhân

A00; A01; B00; C01

21.3

8

QHT94

Kỹ thuật điện tử và tin học*

A00; A01; B00; C01

25.65

9

QHT06

Hoá học

A00; B00; D07

23.65

10

QHT07

Công nghệ kỹ thuật hoá học

A00; B00; D07

23.25

11

QHT43

Hoá dược

A00; B00; D07

24.6

12

QHT08

Sinh học

A00; A02; B00; B08

23

13

QHT81

Sinh dược học*

A00; A02; B00; B08

23

14

QHT09

Công nghệ sinh học

A00; A02; B00; B08

24.05

15

QHT10

Địa lý tự nhiên

A00; A01; B00; D10

20.3

16

QHT91

Khoa học thông tin địa không gian*

A00; A01; B00; D10

20.4

17

QHT12

Quản lý đất đai

A00; A01; B00; D10

20.9

18

QHT95

Quản lý phát triển đô thị và bất động sản*

A00; A01; B00; D10

22.45

19

QHT13

Khoa học môi trường

A00; A01; B00; D07

20

20

QHT82

Môi trường, Sức khỏe và An toàn*

A00; A01; B00; D07

20

21

QHT15

Công nghệ kỹ thuật môi trường

A00; A01; B00; D07

20

22

QHT96

Khoa học và công nghệ thực phẩm*

A00; A01; B00; D07

24.35

23

QHT16

Khí tượng và khí hậu học

A00; A01; B00; D07

20

24

QHT17

Hải dương học

A00; A01; B00; D07

20

25

QHT92

Tài nguyên và môi trường nước*

A00; A01; B00; D07

20

26

QHT18

Địa chất học

A00; A01; B00; D07

20

27

QHT20

Quản lý tài nguyên và môi trường

A00; A01; B00; D07

21

28

QHT97

Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường*

A00; A01; B00; D07

20

Điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) là tổng điểm của 3 bài thi (theo tổ hợp tương ứng) cộng với điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng (nếu có) và áp dụng cho tất cả các tổ hợp của ngành. Riêng với 4 ngành Toán học, Toán tin, Khoa học máy tính và thông tin(*), Khoa học dữ liệu: Điểm chuẩn tính theo thang điểm 40 là tổng Điểm môn Toán (nhân hệ số 2) cộng với điểm hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên khu vực, đối tượng (nếu có) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã quy sang thang điểm 40).

Điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào Trường ĐHKHTN từ 20/30 điểm đến 34.85/40 điểm

Trường sẽ gửi Giấy báo thí sinh trúng tuyển qua địa chỉ email thí sinh đăng ký và bản chính thức (có dấu đỏ) sẽ phát cho thí sinh khi nhập học trực tiếp tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Sinh viên phải nộp đầy đủ hồ sơ (bản cứng) khi nhập học. Thí sinh kiểm tra hộp thư điện tử (email) gồm cả mục Spam để nhận thông báo từ Nhà trường.

Sinh viên sẽ học tập chính thức theo thời khóa biểu từ ngày 11/9/2022 (thứ Hai).

Nhà trường sẽ gửi kế hoạch học tập, thời khóa biểu, hướng dẫn một số vấn đề cần lưu ý qua email của sinh viên. Do vậy, sinh viên lưu ý cần kiểm tra email thường xuyên và theo dõi thông tin trên các trang truyền thông chính thức của nhà trường

Các vấn đề phát sinh thí sinh liên hệ để được hỗ trợ:

  • Điện thoại: Phòng Đào tạo: (024)38585279
  • Hotline: 0886074527.

Link tra cứu tại đây 

Xem hướng dẫn thủ tục nhập học cho thí sinh trúng tuyển tại đây.

Với nhu cầu xã hội ngày càng tăng cao về nguồn nhân lực có kiến thức sâu rộng, khả năng nghiên cứu cơ bản và thực hiện các kỹ thuật phân tích của lĩnh vực Sinh dược học trong mối tương quan liên ngành của khoa học sự sống và dược học, hóa dược, sức khỏe, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN thí điểm đào tạo bậc cử nhân ngành Sinh dược học từ năm học 2023-2024.

[Infographic] Sinh dược học - Ngành học góp phần đảm bảo nguồn nhân lực ngành công nghiệp dược phẩm

 

Từ năm 2023, một ngành mới toanh sẽ được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo ở trình độ ĐH, với dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu. Đó là ngành sinh dược học.

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ban hành chương trình đào tạo trình độ ĐH ngành sinh dược học, và giao Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức đào tạo thí điểm ngành này. Theo đó, từ năm 2023, sinh dược học sẽ là ngành mới lần đầu tiên được tuyển sinh.

Trường ĐHKHTN tuyển sinh ngành sinh dược học từ năm 2023

Giảng viên bộ môn vi sinh, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội hướng dẫn sinh viên sử dụng thiết bị

Vì đây là ngành đào tạo thí điểm, do ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng, nên chưa có mã số tuyển sinh chính thức trong danh mục mã ngành do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đề xuất của ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành sinh dược học có mã ngành là 7429001QTD.

ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, đề án mở ngành đào tạo sinh dược học xuất phát từ thực tế về nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực có khả năng nghiên cứu cơ bản và thực hiện các kỹ thuật phân tích của lĩnh vực sinh dược học, nhằm phát triển các nguồn dược liệu, dược phẩm mới và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng; có năng lực nghiên cứu khoa học, có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào thực tiễn nghề nghiệp. Việc mở mã ngành còn xuất phát từ năng lực đào tạo, chiến lược phát triển và tầm nhìn của Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đầu vào tuyển sinh của ngành này sẽ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp: A00 (toán, lý, hóa), A02 (toán, lý, sinh), B00 (toán, hóa, sinh), B08 (toán, sinh, tiếng Anh). 

Ngoài ra, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ dùng các phương thức khác theo quy định của Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm đầu tiên tuyển sinh dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu.

Cũng theo ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành sinh dược học là chương trình đào tạo liên ngành, đòi hỏi không chỉ sự kết hợp các kiến thức đơn ngành về sinh học và dược học đơn thuần, mà còn có 20 học phần tích hợp khác.

Sinh viên tốt nghiệp ngành sinh dược học sẽ đạt trình độ chuyên môn và kỹ năng cần thiết để nghiên cứu khoa học sinh dược và các lĩnh vực có liên quan với vai trò như: chuyên viên phân tích sinh dược học, nghiên cứu viên lĩnh vực sinh dược học, nhân viên bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm sinh dược học, nhân viên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng các thiết bị, hệ thống sản xuất thuộc lĩnh vực sinh dược học, tham gia vào quá trình nghiên cứu phát triển thuốc, tham gia tư vấn thiết kế, đào tạo, phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở các viện nghiên cứu, các trung tâm, các công ty và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, các trường ĐH.

Ngoài ra, người được đào tạo ngành này khi tốt nghiệp còn có khả năng tham gia giảng dạy sinh dược học, sinh học, công nghệ sinh học và các ngành liên quan ở các cơ sở giáo dục; làm việc ở các cơ quan quản lý các cấp và cơ sở sản xuất có liên quan đến sinh dược học.

Theo Thanh Niên.

Năm 2023, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên đào tạo ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn.

Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Quyết định số 1555/QĐ-ĐHQGHN ngày 5/5 về việc ban hành và giao nhiệm vụ đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Chương trình Môi trường, Sức khỏe và An toàn có mã số đào tạo 7859003QTD, do khoa Môi trường trực tiếp phụ trách. Năm 2023, ngành tuyển sinh 50 chỉ tiêu, thời gian đào tạo là 4,5 năm và cấp bằng kỹ sư.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khải - Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, việc mở ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường lao động Việt Nam về nhân lực có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực môi trường, sức khoẻ nghề nghiệp và an toàn lao động.

“Hiện nay đa phần các doanh nghiệp đều có nhu cầu nhân sự tại các vị trí về đảm bảo môi trường tại các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; về bảo vệ sức khỏe người lao động và đảm bảo an toàn lao động.

Bởi nếu hạn chế được các thiệt hại do hoạt động sản xuất gây ra đối với người lao động, kiểm soát được ô nhiễm môi trường, và giảm thiểu được các rủi ro về an toàn lao động thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn về cho doanh nghiệp.

Trong quá trình khảo sát, điều tra và đánh giá nhu cầu của thị trường, chúng tôi nhận thấy các tập đoàn công nghiệp trong các lĩnh vực như: năng lượng, điện tử, hóa chất, xi măng, thép… đều dành sự quan tâm lớn đến nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động”, thầy Khải chia sẻ.

Vì sao Trường ĐH Khoa học tự nhiên mở ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn?

Sinh viên khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong phòng thí nghiệm hiện đại. 

Khung chương trình của ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện và chuyên sâu để áp dụng trong các công việc liên quan đến: quản lý môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, an toàn lao động; kiểm soát ô nhiễm môi trường, quan trắc, giám sát, kiểm soát và đánh giá các rủi ro (rủi ro về hóa chất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường,…), an toàn trong lao động; quản lý sức khỏe nghề nghiệp; các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người trong các hoạt động sản xuất; an toàn vệ sinh công trường, nhà xưởng sản xuất; an toàn vệ sinh thực phẩm của người lao động;…

Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Khải cho biết thêm, ngành học này phù hợp với những bạn trẻ quan tâm đến các vấn đề môi trường, yêu thích các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người và an toàn lao động. 

Khung chương trình của ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn được thiết kế nhằm phù hợp với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cũng như sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp công nghiệp như: Dịch tễ học sức khỏe môi trường - nghề nghiệp; Hệ thống thông tin môi trường, an toàn và sức khỏe; Giáo dục, truyền thông về môi trường, an toàn và sức khỏe; An toàn phóng xạ; An toàn sinh học; An toàn điện, hóa chất; Sản xuất và quản lý doanh nghiệp bền vững…

Các kỹ sư ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất… hoặc công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh môi trường.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể đảm nhận công việc giảng dạy và nghiên cứu các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, trung tâm, doanh nghiệp tư vấn về lĩnh vực môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động.

Đây là ngành học thứ 5 mà Đại học Quốc gia Hà Nội mở mới trong mùa tuyển sinh 2023. Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông báo mở các ngành đào tạo: Cử nhân Thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; Cử nhân Văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường Đại học Ngoại ngữ; Kỹ sư Công nghệ thực phẩm, sức khỏe và kỹ sư Kỹ thuật công nghệ cơ điện tử của Trường Đại học Việt Nhật.

Theo Tạp chí điện tử GDVN.

Trong danh sách đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic quốc tế, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên góp mặt 13 học sinh tại tất cả các đội tuyển.

13 học sinh chuyên Khoa học Tự nhiên dự thi Olympic quốc tế

Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên gặp mặt học sinh tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2023

Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT và các nhà trường về việc tập huấn các đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2023.

Trong tổng số 37 học sinh được triệu tập vào các đội tuyển Olympic năm nay, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục đóng góp nhiều thành viên nhất với 13 học sinh, có mặt tại tất cả các đội tuyển và chiếm hơn 1/3 thành viên của các đội tuyển.

Cụ thể, tại đội tuyển Toán có 1 học sinh là Phạm Việt Hưng. Việt Hưng là người từng giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2022.

Đội tuyển Vật lý có 2 học sinh là Võ Hoàng Hải và Vũ Ngô Hoàng Dương. Võ Hoàng Hải từng đạt huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2022 khi mới học lớp 10. Trước đó, Hải cũng đã giành huy chương Đồng Olympia Vật lý châu Á.

Vũ Ngô Hoàng Dương từng giành huy chương Bạc Olympic Vật lý Quốc tế quốc tế phân tán IdPhO 2020, huy chương Vàng Olympic Quốc tế Zhautykov 2022, huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á 2022 và huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế 2022,

Đội tuyển Hóa học có 1 học sinh là Nguyễn Mạnh Khôi. Khôi là người 2 năm liên tiếp giành giải Nhất môn Hóa học tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Đội tuyển Sinh học có 2 học sinh là Nguyễn Tiến Lộc và Trần Phạm Mạnh.

Đặc biệt, trong số 15 học sinh dự thi Olympic Tin học châu Á, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có 7 học sinh vượt qua vòng tuyển chọn với điểm số cao nhất là Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Nguyễn Quang Minh, Trần Xuân Bách, Hoàng Ngọc Bảo Khuê, Phạm Quốc Hùng, Phạm Công Minh, Nguyễn Tuấn Linh.

Trong số này, Trần Xuân Bách là người từng đạt huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế năm 2022 và huy chương Vàng Olympic Tin học châu Á năm 2022. Năm 2021, Xuân Bách cũng đã giành huy chương Đồng Olympic Tin học châu Á khi mới học lớp 10.

Tính đến thời điểm tháng 5/2023, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã sở hữu 275 huy chương Olympic quốc tế và khu vực các môn Toán học, Tin học, Hóa học, Vật lý và Sinh học. Trong đó có 221 huy chương Olympic quốc tế (69 huy chương Vàng, 81 huy chương Bạc, 71 huy chương Đồng) và 54 huy chương Olympic Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo GD&TĐ.

ĐHQGHN vừa ban hành thông báo số 2495/TB-ĐHQGHN về Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 của ĐHQGHN đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, căn cứ Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Công văn số 2598/BGDĐT-GDĐH ngày 20 tháng 6 năm 2022 về hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, chưa nhân hệ số).

ĐHQGHN đề nghị: Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT (đối với nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên), các đơn vị đào tạo đại học thông báo điểm ngưỡng theo ngành/nhóm ngành đào tạo (tối thiểu bằng điểm ngưỡng do ĐHQGHN, Bộ GD&ĐT quy định); Báo cáo Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN điểm ngưỡng của đơn vị trước ngày 31 tháng 7 năm 2022, đồng thời, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và nhập dữ liệu vào trang nghiệp vụ theo Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Chi tiết thông báo số 2495/TB-ĐHQGHN

Năm 2022, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên xét tuyển đại học chính quy với các phương thức xét tuyển cơ bản tương tự như năm 2021

Trường tuyển sinh đại học chính quy 27 ngành với 3 chương trình đào tạo: Chương trình chuẩn, Chương trình chất lượng cao với học phí tương ứng với chất lượng đào tạo, chương trình tiên tiến.  

Ngoài ra, Trường còn tuyển sinh các chương trình đặc biệt như: Chương trình cử nhân khoa học tài năng; Chương trình chuẩn quốc tế; Chương trình chất lượng cao với học phí ưu đãi như chương trình chuẩn ở các ngành thuộc khối Khoa học Trái đất.

Theo thống kê, năm nay có khoảng 15 phương thức tuyển sinh và tất cả các trường đều sử dụng từ 2 phương thức xét tuyển trở lên. Vậy thí sinh nên lựa chọn phương thức nào để "chắc suất" vào đại học?

Cách để tăng cơ hội trúng tuyển trong mùa tuyển sinh 2022

Hầu hết các trường đại học hiện nay đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Ảnh: Hải Nguyễn

"Mạnh về phương thức nào thì chủ động lựa chọn phương thức đó"

Chia sẻ với Lao Động, GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - cho biết, hầu hết các trường đại học hiện nay đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Đó là một thuận lợi để thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mà mình mơ ước.

Theo GS Sơn, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh không ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn của thí sinh. Về cơ bản, phương thức xét tuyển chủ đạo của các trường vẫn dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, các bạn thí sinh có năng lực ở khía cạnh nào hãy mạnh dạn đăng ký xét tuyển ở khía cạnh đó. 

"Ví dụ như thí sinh có sự đầu tư và đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT thì lựa chọn đó là tiền đề đăng ký nguyện vọng. Nếu thí sinh có các tiêu chí đáp ứng quy định xét tuyển thẳng của trường cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mạnh dạn đăng ký. Nếu có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì thí sinh có ưu thế khi đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/ học lực.

Bên cạnh đó, việc tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực cũng tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh" - GS Sơn đưa ra lời khuyên.

GS.TS Lê Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, với cách thức xét tuyển như hiện nay, thí sinh nên đặt ngành, trường yêu thích ở nguyện vọng 1. Các nguyện vọng sau là ngành và trường vừa tầm với năng lực cá nhân để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.

Lời khuyên dành cho thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực

GS.TS Lê Thanh Sơn cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tiến hành từ năm 2015 và quay trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên năm 2021 chỉ có khoảng 1000 thí sinh tham dự, năm nay có đến 70.000 thí sinh tham dự.

Theo đó, bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội có sự khác biệt là đánh giá năng lực dựa trên 3 khối kiến thức: Thứ nhất là tư duy định lượng toán học; Thứ hai là tư duy định tính văn học và ngôn ngữ; Thứ ba là tư duy khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Theo đó, để có thể thi tốt kỳ thi này thí sinh cần học vững kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị từ năm lớp 10 đến lớp 12. Bên cạnh đó, có thể làm thử các bài thi mẫu để hình dung về thời gian, số câu hỏi và các nội dung kiến thức liên quan. Với thí sinh học chuẩn theo kiến thức của chương trình phổ thông sẽ làm tốt bài thi.

Theo Lao Động.

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

ĐỊA CHỈ: 334 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội

Điện thoại: (84) 0243-8584615 / 8581419

Fax: (84) 0243-8523061

Email: hus@vnu.edu.vn - admin@hus.edu.vn

Cổng thông tin tuyển sinh Đại Học Quốc Gia Hà Nội: http://www.tuyensinh.vnu.edu.vn

LIÊN KẾT FACEBOOK

Bản quyền © Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN